Hotline: 0975.176.376 - 0975.73.75.77

GIẢI PHÁP SỐ GIÚP SME CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ THÍCH ỨNG BỐI CẢNH MỚI

Chuyển đổi số (CĐS) đang trở thành yêu cầu bắt buộc, xu thế tất yếu để doanh nghiệp (DN), trong đó có DN nhỏ và vừa (SME) phát triển, đặc biệt là sau tác động của đại dịch COVID. Để hỗ trợ các SME CĐS cần các nền tảng số thiết thực.

Các SME đang sử dụng nền tảng số để CĐS như thế nào?

Theo Liên đoàn công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), hiện cả nước có khoảng gần 900.000 DN đang hoạt động với hơn 97% DN tư nhân ở quy mô nhỏ và vừa, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.

Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI cho biết hoạt động CĐS trong cộng đồng DN đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây như một nhu cầu tự nhiên nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý. Nhiều DN đã ứng dụng các giải pháp phần mềm, sử dụng nền tảng số vào hoạt động quản lý kế toán - tài chính, bán hàng, tiếp thị trực tuyến, quản lý kênh phân phối, quản trị kinh doanh hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới.

Thông tin về việc sử dụng nền tảng số của SME theo Chương trình SMEdx của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ kinh tế số - Xã hội số - Bộ TT&TT cho biết cổng thông tin điện tử SMEdx của Bộ TT&TT đã được đưa vào triển khai mạnh mẽ từ cuối năm 2021. Trong 9 tháng đầu năm 2022, chương trình đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm của hơn nửa triệu SME, trong đó có gần 70.000 SME ủng hộ chương trình và đã sử dụng các nền tảng số của chương trình với khoảng 30 nền tảng số trải dài trên các nhóm nền tảng của chương trình. Cụ thể, các nhóm nền tảng số gồm: quản trị tổng thể về DN, nhân sự - tổ chức, du lịch - khách sạn, hạ tầng công nghệ, kế toán - tài chính, quảng cáo - tiếp thị, chăm sóc khách hàng, giáo dục trực tuyến, an ninh mạng, vận tải - logistics, mạng xã hội.

Nhóm nền tảng được sử dụng nhiều nhất là nền tảng quản trị tổng thể DN với 39,8% DN sử dụng. Nhóm nền tảng số thứ 2 là nhóm nhân sự - tổ chức có 17% các SME sử dụng. Nhóm nền tảng du lịch và khách sạn có đến 16% SME lĩnh vực khách sạn - du lịch sử dụng để tiếp thị khách du lịch

Về nhóm nền tảng hạ tầng công nghệ, ông Tuấn cho biết SME đặc biệt quan tâm đến nền tảng điện toán đám mây. Về nhóm nền tảng kế toán - tài chính, khoảng 10% DN quan tâm nhóm nền tảng này vì trước khi đưa các nền tảng này lên hệ thống SMEdx vào cuối năm 2021 thì rất nhiều DN đã sử dụng các nền tảng kế toán - tài chính. Nền tảng quảng cáo - tiếp thị được sử dụng thấp hơn, khoảng 1,2%. Nền tảng giáo dục trực tuyến là 0,7%. Nền tảng vận tải - logistics là 0,5%. Theo thống kê, có thể thấy nền tảng quản trị tổng thể cho các SME được sử dụng nhiều và đánh giá cao hiệu quả sử dụng.

CĐS và những khó khăn với DN

Là DN công nghệ và đầu tư vào các startup xây dựng các nền tảng kinh doanh, ông Đỗ Hoàng Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ WICOM cho biết qua kinh nghiệm trực tiếp hỗ trợ gần 100 DN từ Lạng Sơn, Nghệ An, Đà Nẵng, Sóc Trăng… CĐS, dưới góc nhìn công nghệ, chúng tôi thấy mỗi DN là một câu chuyện. Mỗi DN là một bài toán và có những vướng mắc khác nhau.

Cũng theo ông Hải, nhiều DN ở xa thành phố lớn khó tiếp cận công nghệ, thiếu nhân sự, thậm chí cả nhân sự cấp trung, cụ thể có những giám đốc DN hoạt động 300 - 500% sức lực và họ là nguồn lực chính của DN. Khi DN ứng dụng phần mềm cũng gặp những thách thức mà rõ nhất là khi các DN mua sản phẩm phần mềm rời rạc, sau đó rất khó để tích hợp các phần mềm này lại với nhau.

Thêm nữa, theo ông Hải, bản chất DN nhỏ khác rất nhiều DN lớn. DN lớn thường có phần mềm chuyên sâu. DN nhỏ thì chỉ sử dụng 2-4 phần mềm. Đa số DN Việt Nam là DN nhỏ nên rất cần phần mềm có đầy đủ chức năng cho DN hoạt động.

Giải pháp số hỗ trợ thiết thực cho SME

Trước nhu cầu trên của các SME về việc dùng một phần mềm cho nhiều việc, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT cho biết năm 2021, VNPT đã đưa ra sản phẩm OneSME, tích hợp mọi chức năng và có trợ lý ảo Ami để hỗ trợ SME.

Giải pháp số để SME chuyển đổi số và thích ứng bối cảnh mới - Ảnh 1.

Đối với SME là DN ICT thì VNPT mở giao diện, làm nền tảng (platform), các SME ICT làm ứng dụng để từ đó hai bên cùng nhau cung cấp giải pháp cho khách hàng SME khác. VNPT có lợi thế là cơ sở hạ tầng, đội ngũ nhân viên trên toàn quốc đến cấp thôn nên khả năng triển khai hỗ trợ rất nhanh và rộng khắp. Theo đó, giá thành giải pháp cho DN rất thấp.

Lúc xuất phát làm nền tảng OneSME, ông Thái cho biết VNPT mong muốn hỗ trợ khách hàng là khách hàng băng rộng cố định, Internet cố định, đường truyền và giờ khách hàng thêm một sản phẩm nữa là sản phẩm quản trị SME. "VNPT muốn hỗ trợ SME theo hình thức thuê bao 5.000 - 10.000 đồng/tháng chứ không phải bán giải pháp là xong. Tóm lại sản phẩm OneSME có thể tích hợp với các SME ICT để cung cấp cho khách hàng SME khác nhanh chóng, rộng khắp và với giá thành rất rẻ".

Theo Chủ tịch VNPT, đồng hành với SME là phải thiết thực. VNPT đã triển khai phần mềm OneSME và nay đã có hàng trăm ngàn tài khoản sử dụng. "Khi DN tiếp cận để CĐS thì vướng về nguồn lực chi phí, nhân sự. Nguồn lực về chi phí thì VNPT làm kiểu dạng dịch vụ, theo đó, giá rẻ đi rất nhiều và không đáng lo. Về nguồn lực nhân sự, VNPT làm dịch vụ nên phụ trách và đáp ứng SME sử dụng như một dịch vụ".

Với cách này, Chủ tịch VNPT tin rằng là có thể hợp tác với SME hỗ trợ CĐS nhưng điều quan trọng là lãnh đạo cao nhất của DN phải CĐS chính mình đầu tiên. "Trong CĐS có nói là chuyển đổi tư duy của lãnh đạo, chứ không phải là công nghệ", ông Thái nhấn mạnh.

Người đứng đầu VNPT lý giải: "Công nghệ giờ có nhiều cách có thể đạt được nhưng người lãnh đạo phải quyết tâm. Khi DN quyết tâm thì VNPT sẽ đồng hành. Giải pháp của VNPT có thể miễn phí 6 - 12 tháng. Chính sách của VNPT là khách hàng cứ dùng đi bao giờ khách hàng thích rồi thì bắt đầu tính phí. VNPT có đội ngũ làm CNTT khoảng 5000 nhân viên nên đủ tự tin đồng hành cùng DN đường dài. Đấy là mục tiêu của VNPT đến năm 2030".

Theo đó, VNPT cũng triển khai giải pháp để nhân viên trong nội bộ VNPT sử dụng tốt, sau đó là trải nghiệm khách hàng tốt, từ đó nâng cao năng suất lao động, quản trị và cuối cùng chính DN thay đổi, đổi mới và thay đổi cách kinh doanh, sản phẩm mà dự định cung cấp cho khách hàng. Đồng hành với SME là ý này.

Chia sẻ về sự hỗ trợ cho SME của ngân hàng BIDV, ông Lê Ngọc Lâm, ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết với vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước lớn, BIDV xác định xây dựng các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất để phục vụ các khách hàng, đặc biệt khách hàng SME. Đối với các sản phẩm số hiện nay BIDV đang cung cấp hai sản phẩm chính cho khách hàng DN gồm:

(1) BIDV iBank là một ứng dụng (app) dành cho tất cả các khách hàng DN. Với app này các khách hàng có thể giao dịch chuyển tiền, sao kê tài khoản, nhắn tin, chuyển tiền trong nước và quốc tế, mua bán ngoại tệ mọi lúc mọi nơi. Ứng dụng này đang cung cấp cho khoảng 100.000 khách hàng đang sử dụng app.

(2) BIDV iConnect - giải pháp kết nối ERP kết nối giữa ngân hàng và phần mềm kế toán quản trị của DN. Phần mềm này đang cung cấp đến nhiều khách hàng, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty lớn. Với giải pháp này khách hàng có thể thực hiện rất nhiều dịch vụ, sản phẩm an toàn, bảo mật cao.

Người đứng đầu BIDV cho hay hiện nay, BIDV đang có chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước đối với khách hàng mới sử dụng sản phẩm iBank của BIDV cũng như miễn phí 50% chuyển tiền quốc tế, tài trợ thương mại đối với khách hàng sử dụng BIDV iConnect. BIDV cũng hoàn toàn miễn phí, chi trả chi phí tích hợp ERP, kết nối phần mềm kế toán DN. Ngoài ra, BIDV cũng kết hợp với Bộ TT&TT, Bộ Kế hoạch và đầu tư, VCCI giới thiệu các sản phẩm, đào tạo các sản phẩm số để các DN tích cực nắm rõ, sử dụng các dịch vụ số./.