Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long (thứ 2 từ phải sang), PTGĐ Tống Viết Trung cùng các vị đại biểu bấm nút khai trương hệ thống. |
Chiều ngày 24/3/2017, Bộ Y tế đã phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tuyên bố chính thức đưa vào sử dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia từ ngày 1/6/2017.
Sự kiện có sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, PTGĐ Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Đại tá Tống Viết Trung cùng với đại diện của Cục Y tế dự phòng, các Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng của 15 tỉnh, thành phố phía Bắc, các Viện/Bệnh viện/Trường liên quan hoạt động tiêm chủng, đại diện UBND Thành phố Hà Nội, cùng các tổ chức quốc tế/tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực y tế. Buổi lễ còn có sự tham gia của Phó Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO khu vực Tây Thái Bình Dương và Trưởng Đại diện WHO Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có phần phát biểu ấn tượng về việc xây dựng thành công Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia do Viettel cùng Bộ Y tế xây dựng. |
Từ chính hình ảnh đại diện cho Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng, ảnh của một người mẹ dù vẫn đội chiếc nón lá đã rách nhưng vẫn ôm con trong lòng đầy hạnh phúc, Phó Thủ tướng đã khẳng định sự cần thiết của việc triển khai các ứng dụng CNTT để đảm bảo cho thế hệ tương lai của Việt Nam: “Nụ cười của người mẹ cũng thể hiện niềm mong muốn của mọi thế hệ người Việt Nam có thể chăm lo và dành tất cả cho thế hệ tương lai. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ dành sự quan tâm để đáp ứng nhu cầu đó cho những mầm non của đất nước!”.
Và vì thế, với sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và xã hội, Phó Thủ tướng cũng thể hiện niềm tin rằng, Bộ Y tế và Viettel sẽ sớm triển khai thành công hệ thống này trên toàn quốc sớm hơn thời điểm dự kiến là 1 năm (kế hoạch hoàn thành trong năm 2018).
Phó Thủ tướng cũng khẳng định rằng cùng với sự thành công của Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, Bộ Y tế sẽ không chỉ thay đổi lịch sử 30 năm của ngành Y tế dự phòng mà còn thay đổi lịch sử của cả ngành y tế. Đó chính là nhờ ứng dụng CNTT vào việc khám chữa bệnh cho người dân và đã thành công từ cấp khó khăn nhất đó là y tế cơ sở.
Viettel chính thức tiếp nhận yêu cầu xây dựng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia từ tháng 5/2015, ngay sau đó và tháng 8/2015, Hệ thống được triển khai thí điểm đầu tiên tại Bắc Ninh. Cho đến nay, hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã hoàn thành gồm 10 phân hệ, 166 chức năng, Viettel cũng xây dựng Cổng thông tin tiêm chủng người dân (sử dụng trên máy tính và điện thoại thông minh) với 7 phân hệ 28 tính năng. Hệ thống này phục vụ người dân với các tính năng chính: Quản lý thông tin tiêm chủng của các thành viên trong gia đình; Tra cứu lịch sử các mũi tiêm; Xem phác đồ tiêm chuẩn và nhận cảnh báo nhắc lịch các mũi tiêm tiếp theo.
Sau khi thí điểm tại 5 tỉnh thành phố là Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Tp Hồ Chí Minh, từ 1/6/2017, 13.000 cơ sở tiêm chủng tại 63 tỉnh, thành phố sẽ sử dụng Hệ thống của Viettel để quản lý hoạt động tiêm chủng của người dân. Hệ thống này sẽ giúp Ngành Y tế quản lý tiêm chủng trọn đời cho mọi người dân từ khi sinh ra theo mã số cá nhân (ID), từ đó tăng sức đề kháng, chống lại một số bệnh nguy hiểm, tránh dược những nguy cơ nhiễm bệnh, nguy cơ tàn tật nhờ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Người dân có thể theo dõi lịch tiêm chủng, tiền sử tiêm chủng của mình và các thành viên trong gia đình thông qua ứng dụng sổ tiêm chủng điện tử. Thông qua hệ thống, người dân cũng có thể chủ động đăng ký lịch tiêm trực tuyến cũng như tìm kiếm cơ sở tiêm gần nhất. Các kiến thức về an toàn tiêm chủng cũng được Ngành Y tế cập nhật đầy đủ và thường xuyên trên hệ thống. Hệ thống cũng loại bỏ hoàn toàn việc quản lý trên giấy từ đó tiết kiệm thời gian và giúp tiết kiệm 100 tỷ mỗi năm cho xã hội.
Trao đổi với phóng viên Viettel Family bên lề lễ khai trương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao nỗ lực của Viettel cùng Bộ Y tế xây dựng thành công hệ thống này. Ưu điểm lớn nhất của hệ thống theo Thứ trưởng đó là sử dụng được trên cả máy tính để bàn và thiết bị di động. Thứ trưởng cũng đánh giá cao đội ngũ xây dựng phần mềm hệ thống của Viettel đã tích cực chủ động đưa dự án về đích, đặc biệt đã lựa chọn góc tiếp cận tri thức ngành từ chính những cán bộ y tế cơ sở - những người trực tiếp sử dụng hệ thống về lâu dài. Thứ trưởng khẳng định đây chính là điểm mấu chốt thành công của đội ngũ Viettel xây dựng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long: "Đội ngũ xây dựng hệ thống của Viettel đã thành công khi tiếp cận nhân viên y tế cơ sở để thực sự đưa hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng thành ứng dụng hữu ích cho ngành y tế." |
Hiện tại Viettel đang tiếp tục phối hợp cùng Bộ Y tế triển khai các cấu phần còn lại của hoạt động y tế dự phòng, hoàn thiện các danh mục sản phẩm cho ngành y tế, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong hệ sinh thái tổng thể các ứng dụng quản lý cho cơ quan y tế các cấp: từ quản lý khám chữa bệnh, giám định BHYT, quản lý tiêm chủng, quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm,…cho tới các giải pháp hành chính công, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Thời gian tới Viettel sẽ tiếp tục nâng cấp, cải thiện và mở rộng về tính năng cũng như quy mô triển khai, hướng tới phục vụ người dân tốt hơn, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu về y tế - dân số từ nay đến năm 2020.