GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y Tế phát biểu trong buổi gặp mặt. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam. |
Trước "bão dịch Corona", lượng truy cập vào website chính thức của Bộ Y tế và Cục Y tế Dự phòng trực thuộc Bộ tăng vọt. Với đường dây nóng tư vấn về phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (2019- nCoV) gây ra, có khoảng 43.000 cuộc gọi tới hotlines này trong 3 ngày gần đây, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y Tế - chia sẻ trong buổi gặp mặt báo chí chiều 5/2.
"Hiện chúng tôi đang phối hợp với Viettel phát triển app trên mobile, cả bản android và iOS", Thứ trưởng Long cho biết.
Theo ông Long, app này sẽ giúp người dân 3 việc:
- Biết cách đánh giá nguy cơ nhiễm bệnh của mình;
- Biết cách tự phòng, cách ly;
- Giúp người dân liên hệ với các cơ sở y tế.
"Trong một vài ngày tới, app này sẽ hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Khi vào app này đưa vào sử dụng thì tất cả thông tin chỉ được sử dụng cho mục đích phòng chống dịch bệnh, và các cơ quan y tế sẽ hỗ trợ cho người dân khi người dân đánh giá mình có nguy cơ có thể nhiễm. Như vậy, chúng ta có thể giải quyết được", Thứ trưởng Long nói.
Ông Long cho biết thêm, hiện các cuộc gọi về tổng đài chủ yếu hỏi về tình hình dịch bệnh cũng như dấu hiệu, triệu chứng, biện pháp phòng chống. Một app thông tin sẽ giúp cung cấp những thông tin chính xác nhất, tránh tin giả (fake news), để xoa dịu nỗi hoang mang của người dân trong cơn dịch bệnh.
"Mùa này rất phù hợp cho sự phát triển không chỉ virus Corona mà các virus khác như cúm, sởi... Ngoài việc phòng corona, đừng quên các dịch bệnh khác. Việc phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm phòng", Thứ trưởng Long cảnh báo.
Tại Trung Quốc, công ty phát triển bản đồ QuantUrban và nền tảng WeChat đã cùng bắt tay tạo ra ứng dụng bản đồ cảnh báo dịch bệnh có tên YiKuang. Bản đồ này sẽ lấy thông tin chính thức từ chính phủ để xác định các khu vực có người nhiễm virus Corona.
Theo diễn biến dịch tại Trung Quốc, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do nCoV là 1,8%. Các dịch trước đó là SARS hơn 10%, MERS 34,5%.
Việt Nam đang sử dụng phác đồ của mình nhưng vẫn cởi mở với các phương pháp điều trị mới của quốc tế, chẳng hạn cách thức áp dụng hai thuốc (kháng HIV và chống cúm) như Trung Quốc sử dụng.
"Phác đồ của Việt Nam tiệm cận với thế giới. Bài học từ chống dịch SARS là không cứ phải phương pháp cao siêu. Kinh nghiệm chống SARS của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chính là mở cửa thông thoáng", ông Long nói.