Nhiều nước đã triển khai HĐĐT
Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho thấy, tại nhiều quốc gia, đối tượng áp dụng HĐĐT chủ yếu là doanh nghiệp (DN), người bán hàng, dịch vụ và nhà cung cấp. Việc lập HĐĐT được áp dụng cho các đối tượng giao dịch B2G (giữa DN và Chính phủ), B2B (giữa DN với DN), B2C (giữa DN và khách hàng cá nhân).
Tại châu Âu, HĐĐT được sử dụng phổ biến ở các DN lớn. Cụ thể, tại Thụy Điển, HĐĐT được đưa vào triển khai từ cuối những năm 1980 và đối tượng là DN. Sau khi Ủy ban châu Âu (EC) xác định HĐĐT trở thành một phần của kế hoạch hành động châu Âu điện tử, thì đến năm 2014, Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành một số chỉ thị quy định chính quyền hành chính ở tất cả 28 quốc gia thành viên đến năm 2018 phải sử dụng HĐĐT B2G.
Trong khi đó, ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, việc áp dụng HĐĐT đang ở các giai đoạn khác nhau, mục đích là tạo điều kiện cho việc tuân thủ pháp luật thuế và cải thiện số thu thuế. Tại Trung Quốc, cùng với việc cải cách quản lý thuế, cơ quan chức năng đã điện tử hóa con dấu, chữ ký và hóa đơn thông qua công cụ xác nhận danh tính giúp đảm bảo độ chính xác về thông tin. Việc này giúp cơ quan thuế có thể giám sát tức thì thay vì giám sát hậu kỳ như trước đây.
Cho đến nay, Trung Quốc áp dụng HĐĐT cho tất cả các DN. Mỗi hóa đơn đều có mã QR, con dấu của cơ quan thuế và hệ thống ký mã hiệu, dùng để quét thông tin trên từng hóa đơn. Thông qua HĐĐT, cơ quan thuế có thể kiểm tra được lượng hàng tồn kho của DN. Theo lộ trình, Trung Quốc đang thực hiện xây dựng Cục Thuế điện tử nhằm thực hiện chiến lược số hóa quốc gia.
Phạt tiền đối với những trường hợp không tuân thủ
Cũng theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, mỗi quốc gia có những cách thức lập HĐĐT riêng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế và cơ quan thuế. Mặc dù được áp dụng rộng rãi nhưng phương thức áp dụng HĐĐT của các nước rất khác nhau. Một số quốc gia như Hàn Quốc, Indonesia áp dụng hình thức HĐĐT bắt buộc đối với tất cả các DN. Trong khi, Mexico hay Chi Lê lại yêu cầu áp dụng đối với một số nhóm DN có doanh thu trên ngưỡng quy định. Còn Đan Mạch bắt buộc HĐĐT cho một số loại hình giao dịch. Bên cạnh đó, để thúc đẩy việc sử dụng HĐĐT, một số nước áp dụng cơ chế khuyến khích, như cho phép giảm trừ vào nghĩa vụ thuế một số tiền nhất định cho mỗi HĐĐT sử dụng. Ngược lại, đối với những quốc gia yêu cầu bắt buộc, thì thường có chế tài đối với trường hợp không tuân thủ.
Đối với trường hợp không tuân thủ pháp luật về HĐĐT, cách thức xử lý tuỳ thuộc vào từng nước. Điển hình là tại Hàn Quốc, hành vi không lập HĐĐT, người bán bị phạt 2% trên giá trị giao dịch, người mua không được khấu trừ thuế. Nếu lập hóa đơn trong chu kỳ khai thuế (quý) nhưng sau thời gian quy định của ngày lập (sau ngày mùng 10 tháng sau), người bán, người mua đều bị phạt 1% giá trị giao dịch. Nếu lập hoá đơn nhưng không cung cấp hàng hóa dịch vụ thì cả người bán và người mua đều bị phạt 2% giá trị giao dịch. Nếu người bán chuyển hóa đơn cho cơ quan thuế sau từ 2 ngày phát hành trở lên và trước ngày 11 của tháng tiếp theo sẽ bị phạt 0,1% giá trị giao dịch đối với cá nhân, 0,5% giá trị giao dịch với tổ chức. Nếu người bán không chuyển hóa đơn cho cơ quan thuế trước ngày 11 của tháng tiếp theo sẽ bị phạt 0,3% đối với cá nhân, 1% đối với tổ chức; không phát hành HĐĐT, không chuyển hóa đơn, chuyển hóa đơn muộn sẽ bị phạt 50 triệu KRW đối với DN nhỏ và 100 triệu KRW đối với DN vừa và lớn. Trường hợp DN cố tình vi phạm các quy định về HĐĐT thì không hạn chế mức phạt tối đa.
* Ông Phạm Văn Chức – Cục trưởng Cục Thuế Thái Nguyên:
Ngăn chặn tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp