Hotline: 0975.176.376 - 0975.73.75.77

ÁP DỤNG HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ: GIẢM CHI PHÍ TUÂN THỦ NGHĨA VỤ THUẾ CHO DOANH NGHIỆP

(TBTCVN) - Theo quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 1/11/2018, tổ chức, cá nhân khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử.

(TBTCVN) - Theo quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 1/11/2018, tổ chức, cá nhân khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử.

Ảnh minh họa

Quy định này đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các nhà quản lý, của doanh nghiệp (DN). Bởi, khi hóa đơn điện tử được áp dụng rộng rãi trong thực tế, sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho cả DN và cơ quan thuế.

DN lớn có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng/năm

Trao đổi với phóng viên TBTCVN về lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử, ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho rằng, việc sửa đổi chính sách thông qua quy định bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy mang lại nhiều ích cho DN. “Sử dụng hóa đơn điện tử giúp DN giảm chi phí. Vì nếu sử dụng hóa đơn giấy, DN phải chi phí giấy in, mực in, chi phí chuyển hóa đơn cho khách hàng đối với trường hợp khách hàng ở xa, người bán phải chuyển phát nhanh hoặc gửi bưu điện hóa đơn trả khách hàng; đặc biệt giảm chi phí lưu trữ hóa đơn”, ông Huy chia sẻ.

Do hóa đơn điện tử có thể lưu giữ trong kho dữ liệu điện tử, nên DN không mất không gian lưu trữ như hóa đơn giấy. Bên cạnh đó còn giảm thời gian tìm kiếm hóa đơn, tăng cường khả năng bảo mật hóa đơn; giúp việc lưu trữ, quản lý hóa đơn vĩnh viễn; không có rủi ro mất, nhàu nát như khi lưu trữ hóa đơn giấy. Đồng thời, phương thức này nâng cao hiệu quả quản lý hóa đơn do việc tập hợp các thông tin qua phương tiện điện tử một cách nhanh chóng và kịp thời; chi phí vận hành và quản lý thấp, hiệu quả.

Theo số liệu khảo sát của Tổng cục Thuế, chi phí cao nhất mà DN sử dụng hóa đơn tự in là khoảng 2.500 đồng/tờ hóa đơn, tương đương 125.000 đồng/quyển 50 số hóa đơn. Chi phí cao nhất đặt in hóa đơn là 2.000 đồng/tờ hóa đơn, tương đương 100.000 đồng/quyển 50 số hóa đơn.

Bieu đồ 

Với chi phí mà DN phải bỏ ra để sử dụng hóa đơn như trên, với những đơn vị sử dụng nhiều hóa đơn, thì tổng số chi phí cho việc sử dụng hóa đơn giấy trong 1 năm là không hề nhỏ. Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), số lượng hóa đơn trung bình sử dụng mỗi tháng là 23,6 triệu, tương đương khoảng 283 triệu hóa đơn/năm. Chi phí hóa đơn tự in (chưa tính phần quản lý, lưu kho) khoảng 420  đồng/hóa đơn; chi phí hóa đơn điện tử (đã tính chi phí quản lý, lưu trữ) chỉ khoảng 292 đồng/hóa đơn. So sánh như vậy để thấy rằng, với việc sử dụng hóa đơn điện tử, EVN tiết kiệm được gần 130 đồng/hóa đơn so với hóa đơn giấy và giúp EVN tiết kiệm được chi phí hơn 3 tỷ đồng/tháng, khoảng 36 tỷ đồng/năm.

Toàn xã hội được hưởng lợi

Việc sử dụng hóa đơn điện tử không chỉ giúp DN, người nộp thuế giảm chi phí tuân thủ nghĩa vụ thuế, mà còn giúp cơ quan thuế và cơ quan khác thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của mình. Đối với cơ quan thuế, sử dụng hóa đơn điện tử giúp ngành Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn. Khi toàn bộ DN triển khai hóa đơn điện tử, thì ngành Thuế sẽ có hệ thống cơ sở dữ liệu về hóa đơn, từ đó có thể phục vụ hiệu quả cho công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế, phân tích rủi ro DN, cá nhân kinh doanh.

Bên cạnh đó có thể giúp cơ quan hải quan tại các cửa khẩu, sân bay nhanh chóng có thông tin để thực hiện hoàn thuế. Cơ quan thuế và các cơ quan khác của Nhà nước không tốn chi phí thời gian đối chiếu hóa đơn như hiện nay.

Đối với xã hội, sử dụng hóa đơn điện tử khắc phục được trình trạng gian lận, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên. Thực tế cho thấy, qua công tác quản lý thuế, cơ quan thuế đã phát hiện một số trường hợp ghi số liệu các liên hóa đơn khác nhau, liên 1 là liên lưu và để khai thuế của người bán thì ghi giá trị và tiền thuế thấp để khai thuế thấp, nhưng liên 2 là liên giao cho người mua thì ghi giá trị và tiền thuế cao, nhằm mục đích gian lận thuế.

Do đó, việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ khắc phục tình trạng này, vì hóa đơn điện tử là thông điệp dữ liệu điện tử, khi hóa đơn điện tử được lập, ký số và gửi đi thì nội dung thông điệp điện tử của người bán và người mua sẽ là như nhau, không có khả năng chỉnh sửa, nên sẽ không có gian lận như việc sử dụng hóa đơn giấy nêu trên.

Những lợi ích cơ bản khi áp dụng hóa đơn điện tử

- Giảm chi phí tuân thủ nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế.

- Khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn.

- Giúp cơ quan thuế có cơ sở dữ liệu về hóa đơn, từ đó có thể kiểm soát tốt việc sử dụng hóa đơn của người nộp thuế.

- Tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các DN.

- Giúp việc triển khai thương mại điện tử được hoàn thiện hơn từ việc đặt hàng trên mạng, giao hóa đơn điện tử qua mạng, thanh toán qua mạng.

- Hóa đơn điện tử góp phần làm giảm bớt việc sử dụng giấy, nên sẽ góp phần bảo vệ môi trường.

 

* Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

Chính sách đúng với nhu cầu hỗ trợ của DN

 Ông Đậu Anh Tuấn

 Ông Đậu Anh Tuấn

Việc áp dụng sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) thay thế cho hóa đơn giấy truyền thống  có ý nghĩa lớn trong việc tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp (DN). Đồng thời, loại bỏ tình trạng gian lận trong việc sử dụng hóa đơn giấy, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho DN; cũng như nâng cao hiệu quả quản lý thuế và xây dựng hệ thống thuế hiện đại.

Một điểm đáng chú ý trong Nghị định 119/2018/NĐ-CP là chính sách miễn phí khi sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế đối với DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành DN trong thời gian 12 tháng kể từ khi thành lập DN…

Theo tôi đây là chính sách rất phù hợp, thuận lợi và đúng với nhu cầu hỗ trợ cho DN. Bởi, với DN quy mô nhỏ, hộ kinh doanh, hàng tháng phải trả vài triệu đồng cho nhà cung cấp dịch vụ để sử dụng dịch vụ HĐĐT có thể là một gánh nặng về chi phí.

 

* Bà Vũ Thị Hòa - Kế toán trưởng Công ty TNHH Posco Việt Nam Holdings:

Thuận tiện, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp

  Bà Vũ Thị Hòa

 Bà Vũ Thị Hòa

Trước đây khi sử dụng hóa đơn giấy, công ty chúng tôi phải đặt in hóa đơn từ các công ty in với giá 2.000 đồng/hóa đơn, nhưng khi sử dụng HĐĐT chỉ mất 300 đồng/hóa đơn. Nếu sử dụng nhiều hóa đơn, rõ ràng là tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ cho công ty.

Ngoài ra, sử dụng HĐĐT có thể giúp DN tiết kiệm chi phí chuyển phát nhanh cho đối tác; tiết kiệm nhân lực và thời gian ký hóa đơn. Điều này rất quan trọng, vì khi lãnh đạo không phải mất thời gian ký hóa đơn, có thể dành thời gian để chỉ đạo hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhân viên phụ trách không còn phải mất thời gian để lưu trữ, bảo quản hóa đơn, như vậy có thể tiết kiệm được nhân công, hoặc có thể bố trí, sắp xếp nhân viên làm việc khác để nâng cao hiệu quả công việc.

 

* Ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín:

Sử dụng hóa đơn điện tử phù hợp với xu thế nền kinh tế số

 Ông Nguyễn Văn Được

 Ông Nguyễn Văn Được

Qua áp dụng trên thực tế, chúng tôi thấy rằng HĐĐT rất thuận tiện. Bởi lẽ, tất cả các công việc trên được thực hiện dưới dạng điện tử.

Ngoài ra, sử dụng HĐĐT sẽ tiết kiệm được một lượng chi phí đáng kể. Đồng thời, sử dụng HĐĐT giúp DN khắc phục và hạn chế được những rủi ro thường gặp như: bị rách, nát, mất mát khi giao nhận, không bị làm giả hoá đơn. DN không phải đối mặt với các khoản phạt về hoá đơn và thuế. Bên cạnh đó, người mua cũng sẽ hạn chế được các trường hợp hoá đơn giả, hoá đơn bất hợp pháp và giúp cho công việc đối chiếu hoá đơn khi cần thiết được nhanh hơn, minh bạch và hiệu quả hơn từ đó tăng cường tính giám sát khi sử dụng hoá đơn của các DN với nhau.

Có thể nói, HĐĐT không chỉ đem lại lợi ích cho DN, mà nó còn có ý nghĩa và lợi ích vô cùng to lớn đối với Nhà nước và xã hội. Làm minh bạch hoá các giao dịch của nền kinh tế, giúp cơ quan thuế kiểm soát tốt hơn việc thực hiện nghĩa vụ thuế, giảm thiểu những gian lận và ngăn chặn những hành vi trốn thuế, gian lận thuế; nâng cao năng lực canh tranh của DN trên thị trường, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.