Tại phiên khai mạc Chuyển đổi số y tế quốc gia ngày 29/12, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam hiện có gần 12.000 trạm y tế xã, được coi là “người gác cửa” của hệ thống y tế, đóng vai trò chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân.
Tuy nhiên nhiều năm qua, mỗi trạm y tế dành ít nhất 2-3 cán bộ y tế chuyên trách ghi, nhập dữ liệu báo cáo các cấp. Trung bình mỗi cán bộ quản lý 12 quyển sổ A3, mỗi mảng một cuốn, riêng mảng sức khoẻ sinh sản kèm tới 2-5 sổ nhỏ hơn như sổ đẻ, sổ khám thai, sổ phụ khoa, sổ theo dõi các biện pháp tránh thai...
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế
Cá biệt, tại trạm y tế xã Đức Long (Nho Quan, Ninh Bình) còn sử dụng tới 54 cuốn sổ để quản lý toàn bộ dữ liệu khám chữa bệnh của người dân.
Nếu tính trung bình mỗi trạm y tế có 20 sổ lớn, cả nước đang phải quản lý 24.000 sổ.
Một số địa phương được đầu tư công nghệ thông tin nhưng trang bị cho trạm y tế 5-10 phần mềm, mỗi phần mềm quản lý một nội dung như bệnh truyền nhiễm, tai nạn thương tích, chống suy dinh dưỡng, tiêm chủng… dẫn tới chồng chéo, một bệnh nhân nhưng chịu sự quản lý cùng lúc nhiều phần mềm.
Sau thời gian thử nghiệm tại Ninh Bình cho kết quả rất tốt, trong năm nay Bộ Y tế sẽ triển khai đồng loạt nền tảng quản lý dữ liệu y tế cơ sở V20 tới tất cả các trạm y tế trên toàn quốc.
Phần mềm này gồm 23 cấu phần, liên thông thống nhất tất cả phần mềm hiện có tại trạm y tế và thay thế hoàn toàn sổ sách.
Nhân viên y tế tại Trạm y tế xã Đức Long nhập số liệu trên phần mềm V20
Khi đó, mỗi trạm y tế chỉ cần cử một cán bộ để nhập dữ liệu. Chỉ cần một cú click chuột, tuyến trên có thể nắm được toàn bộ thông tin thực tại tuyến dưới.
“Phần mềm này sẽ giúp ngành y tế quản lý sức khoẻ người dân tốt hơn. Nhờ có số liệu thực, Bộ Y tế có thể đưa ra phân tích, dự báo nguy cơ, mô hình bệnh tật”, ông Nam nói.
Theo TS Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, khi áp dụng V20 sẽ giúp đất nước tiết kiệm cả về nhân lực, vật lực và tài lực.
“Chúng ta tính một bài toán đơn giản, hiện mỗi trạm y tế xã cần ít nhất 2 cán bộ làm báo cáo giấy, khi áp dụng V20 chỉ cần một người. Tính mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng, 12.000 xã đã có thể tiết kiệm 60 tỷ đồng mỗi tháng. Tính theo nhiều năm thì con số này lên tới hàng ngàn tỷ đồng”, ông Đức so sánh.
Thứ hai, khi áp dụng V20, thay vì dành nhân lực để báo cáo, giờ dành thời gian cho công tác chuyên môn.
Thứ ba, cơ quan quản lý nhà nước từ tỉnh, huyện được cập nhật theo số liệu thực về dân số, tình hình tiêm chủng, mô hình bệnh tật... nên dễ dàng hoạch định chính sách, giám sát, quản lý sức khoẻ người dân.
Thúy Hạnh