Đây là thông tin được GS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế chia sẻ tại hội nghị trực tuyến khởi động và ký kết dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế cơ sở ngày 25/8.
Quyền Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh, y tế cơ sở như nền tảng, bàn đạp của ngành y tế, là trụ đỡ xây dựng những công trình “kiến trúc thượng tầng” phía trên. Do đó, cần đổi mới chất lượng y tế cơ sở để người dân được hưởng lợi dịch vụ y tế tuyến trên ngay tại địa phương.
Để thay đổi hoạt động y tế cơ sở, bước đầu Bộ Y tế triển khai mô hình khám bệnh từ xa tới 1.000 cơ sở y tế trên cả nước, bắt đầu từ tháng 9 tới giúp xoá bỏ giới hạn về không gian trong khám chữa bệnh, tạo nên sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long
Theo GS Long, trước đây khám bệnh từ xa ở nước ta chủ yếu theo phương thức 1-1, tức 1 bệnh viện hỗ trợ 1 bệnh viện, nhưng sắp tới sẽ thay đổi sang mô hình 1-N. Khi đó, 1 bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ cùng lúc nhiều bệnh viện tuyến dưới, tất cả cùng tham gia hội chẩn, theo dõi các ca bệnh để học tập, nâng cao chuyên môn.
Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ về chuyên môn cho tuyến dưới theo mô hình 1-4-4-2 qua hệ thống từ xa, tức 1 bác sĩ tuyến trung ương hỗ trợ cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và ít nhất 2 bác sĩ tuyến xã để xoá nhoà khoảng cách chuyên môn.
Cùng với đó, tuyến xã cũng sẽ được đổi mới cơ chế tài chính, đổi mới phương thức chi trả với mục tiêu nâng cao chất lượng y tế cơ sở để người dân được hưởng dịch vụ y tế tốt nhất trong điều kiện có thể.
Quyền Bộ trưởng Y tế dẫn chứng, hiện có tới 75% dịch vụ y tế có thể thực hiện ngay tuyến cơ sở, tuy nhiên mới chỉ có gần 30% chi phí dành cho khu vực này.
Với số tiền hỗ trợ gần 2.900 tỉ đồng, dự án phát triển y tế cơ sở sẽ tập trung nguồn lực cho 13 địa phương khó khăn khắp cả nước trong 5 năm tới, bao gồm thay đổi về chất lượng khám chữa bệnh và cơ sở vật chất.
Mục tiêu của dự án là xây mới 138 trạm y tế xã, cải tạo nâng cấp 325 trạm y tế khác, cải tạo nâng cấp 12 trung tâm y tế huyện, cung cấp trang thiết bị cần thiết nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cho cán bộ y tế cơ sở.
Trạm y tế xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An bị xuống cấp nghiêm trọng sau 18 năm sử dụng. Ảnh: Báo Nghệ An
Tuy nhiên quyền Bộ trưởng Y tế lưu ý, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cần có trọng điểm, ưu tiên các cơ sở xuống cấp trước. Cán bộ y tế tại trạm sử dụng được bao nhiêu kỹ thuật thì đầu tư trang thiết bị y tế phù hợp bấy nhiêu.
“Công trình nào sửa được thì chúng ta sửa, không nên xây mới 2 trạm y tế gần nhau, như thế rất lãng phí", quyền Bộ trưởng lưu ý.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam có hơn 11.000 trạm tế nhưng có tới hơn 50% cần phải cải tạo, sửa chữa lại và thiếu trang thiết bị cơ bản.
Cùng lúc đó, nước ta đang phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép, già hoá dân số, bệnh không lây nhiễm gia tăng… trong khi người dân không tin tưởng y tế tuyến dưới, thường xuyên vượt tuyến gây quá tải cho tuyến trên… từ đó tạo nên gánh nặng cho ngành y tế và nền kinh tế.
Do đó, Bộ Y tế xác định việc nâng cao chất lượng và hiệu suất của mạng lưới y tế cơ sở tại các tỉnh sẽ giúp đẩy mạnh công tác dự phòng bệnh tật, giúp người dân nâng cao sức khoẻ, tuổi thọ...