Buổi lễ ra mắt trường Đại học Phenikaa và Quỹ đổi mới sáng tạo Phenikaa ngày 26/11/2019 có sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị.
Sau 9 năm phát triển, Tập đoàn Phenikaa với lĩnh vực cốt lõi sản xuất công nghiệp và vật liệu sinh thái đã mở rộng đầu tư vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo với việc chính thức ra mắt trường Đại học Phenikaa. Hoạt động theo mô hình không vì lợi nhuận, Đại học Phenikaa nhận sự bảo trợ toàn diện của Tập đoàn Phanikaa. Mọi nguồn thu từ hoạt động và tài trợ sẽ được tái đầu tư để phát triển trường.
Đại học Phenikaa hướng tới mục tiêu trở thành trường đại học đa ngành, xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu, khởi nghiệp và hướng nghiệp, nơi đánh thức và hiện thức hoá tiềm năng; trở thành Top 100 đại học xuất sắc nhất Châu Á trong vòng 20 năm.
Cùng với việc chính thức ra mắt trường Đại học Phenikaa, Tập đoàn Phenikaa cũng công bố việc thành lập Quỹ Đổi mới Sáng tạo Phenikaa (Quỹ Phenikaa) với mức đầu tư ban đầu là 1.000 tỷ đồng được trích từ lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn. Hoạt động của Quỹ hướng tới 5 mục tiêu: Nuôi dưỡng tài năng, xây dựng đội ngũ nhân lực KHCN xuất sắc; tạo ra các công trình nghiên cứu khoa học có tính đột phá ở tầm quốc tế; tài trợ sáng kiến có khả năng tạo ra giải pháp nâng cao năng lực sản xuất; thiết lập hệ sinh thái lấy con người là trung tâm; thúc đẩy việc phát triển tạo ra sản phẩm mới.
Trong chương trình, Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước thuộc Bộ KHCN và Tập đoàn Phenikaa đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác hướng đến 2 mục tiêu: Tăng cường phối hợp với Bộ KH&CN nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động KHCN; góp phần phát triển Tập đoàn Phenikaa trở thành tập đoàn nghiên cứu, sản xuất công nghiêp 4.0 hàng đầu Việt Nam và thế giới, đưa trường Đại học Phenikaa trở thành đại học nghiên cứu hàng đầu ASEAN trong lĩnh vực công nghiệp 4.0.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, việc ra mắt Đại học Phenikaa hứa hẹn một tương lai tươi sáng không chỉ cho riêng trường mà còn minh chứng cho sự đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, nhất là giáo dục đại học. Ai cũng biết “hiền tài là nguyên khí quốc gia” nhưng điều quan trọng là thời nào hiền tài được trọng dụng, để từ đó những tài năng, sáng kiến của mọi người được tôn trọng, được khơi dậy và củng cố sức mạnh quốc gia. “Ngày xưa, việc tiếp nhận khoa học công nghệ và thành tựu công nghệ khó khăn hơn nhiều, như trong câu chuyện “cây đèn treo ngược” thời vua Tự Đức, nhiều người cho rằng đó là câu chuyện cụ Nguyễn Trường Tộ nói về bóng đèn điện nhưng thực chất là đèn được đốt từ khí vì thời đó để được chứng kiến chứ chưa nói đến việc tiếp thu khoa học công nghệ từ bên ngoài là điều rất khó”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.
Ngày nay, dù nguồn nhân lực là yếu tố quyết định và khoa học công nghệ là yếu tố không thể thiếu để một quốc gia phát triển nhưng chúng ta còn có một yếu tố thuận lợi hơn rất nhiều là có thể giao lưu rộng rãi với thế giới. “Vì thế, tất cả các quốc gia cùng đua tranh với nhau để không chỉ phát triển nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ của từng công dân mà còn để thành địa điểm hấp dẫn thu hút người tài về làm việc cho mình, mang lại thành tựu khoa học phục vụ cho sự phát triển đất nước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng theo Phó Thủ tướng, chúng ta nói nhiều về việc làm sao để tận dụng thời cơ Cách mạng công nghiệp 4.0. Dù có nhiều việc để làm nhưng chúng ta phải phát triển mạnh mẽ hơn nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với việc thay đổi, đổi mới sáng tạo quốc gia, từ đó thúc đẩy sự sáng tạo trong từng người dân Việt Nam. Trong Bảng đánh giá Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, Việt Nam những năm gần đây đã có những bước cải thiện rất tốt, năm 2019 đã đứng ở vị trí thứ 42. “Sự tăng trưởng này một phần quan trọng đến từ đổi mới đại học, trong đó đến từ việc chuyển đổi từ các trường Đại học bao cấp sang bước đầu tự chủ ở một số trường và sẽ mở rộng mô hình này trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng lý giải.
Bên cạnh đó, cũng theo Phó Thủ tướng, trong vòng 5 năm trở lại đây, dù so với thế giới còn khiêm tốn nhưng số lượng công trình công bố quốc tế của Việt Nam tăng rất nhanh, phần lớn đóng góp là từ các trường Đại học. “Chúng ta rất mừng vì trong số đó, ngoài các trường đại học danh tiếng từ lâu như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ, Đại học Y… , đã xuất hiện nhiều trường mới ngoài dân lập, trong đó có Đại học Phenikaa”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Phó Thủ tướng khẳng định đây là hướng đi đúng đắn và cần thiết phải thúc đẩy trong thời gian tới, bởi vì Đại học không chỉ là nơi phổ biến kiến thức mà còn là nơi tạo ra kiến thức, góp phần thúc đẩy sáng tạo công nghệ và trường Đại học Phenikaa là một tấm gương tốt.
Từ lâu mọi người đều nói về đầu tư giáo dục, nhà nước đã có chính sách khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư giáo dục đại học và dạy nghề. Đến thời điểm hiện tại đã có 4 trường ngoài dân lập dành tiền đầu tư trên 1.000 tỷ đồng cho cơ sở vật chất, trong đó có Đại học Phenikka. Bởi vì, bên cạnh nguồn lực về con người, đầu tiên phải có cơ sở vật chất xứng tầm, để từ đó thu hút được người giỏi về giảng dạy và nghiên cứu. Gần đây, một số tập đoàn lớn đã dành nguồn lực xây dựng trường đại học không vì mục tiêu lợi nhuận, hướng tới trong vài chục năm tới sẽ đứng ngang hàng với các trường trong khu vực. “Nếu không có những người đầu tư như vậy, chắc chắn nền giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học sẽ không có bước phát triển nhanh được”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ câu chuyện trao đổi với cựu Phó Thủ tướng Đức về việc Việt Nam sẽ có thêm quỹ đầu tư thứ hai về đổi mới sáng tạo (quỹ đầu tư của Phenikaa - PV), bên cạnh các quỹ đầu tư nước ngoài. "Tôi hi vọng sự ra đời quỹ đầu tư của Phenikaa sẽ thêm một cánh tay đỡ cho các ý tưởng sáng tạo, nhất là ý tưởng của các bạn sinh viên, những người muốn dấn thân dù tuổi đời còn trẻ”, Phó Thủ tướng nói thêm.
Phó Thủ tướng cho rằng, sự ra đời của quỹ phi lợi nhuận Phenikka sẽ mở ra một chương mới để các doanh nghiệp thành đạt khác dành một phần kinh phí của mình mở một quỹ đầu tư cho khoa học, quỹ sáng tạo không vì lợi nhuận. “Đây sẽ là một cách đóng góp hiệu quả và cần thiết để cùng nhà nước, cộng đồng khơi dậy sự sáng tạo trong từng con người Việt Nam, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ cùng phát triển tiềm năng của mình. Bởi Việt Nam chỉ có thể giàu mạnh nếu tất cả mọi người, từ những học sinh sinh viên ngồi trên ghế nhà trường cho đến các doanh nghiệp thành đạt góp sức không vì lợi nhuận cho đất nước”, Phó Thủ tướng kết luận.