Khoản lỗ 9 tỷ USD của Tập đoàn SoftBank vào các khoản đầu tư như WeWork đang mang lại hiệu ứng gợn sóng trên bức tranh công nghệ châu Á. Các công ty khởi nghiệp vội vã thay đổi kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh "mùa đông công nghệ" mới đang đến khi không còn có thể dựa vào nguồn vốn vô tận từ ông Masayoshi Son.
Từ Indonesia đến Ấn Độ, các công ty công nghệ gần đây theo đuổi chiến lược tăng trưởng bằng mọi giá đang thắt lại hầu bao, coi việc “sinh lợi” là câu thần chú mới, theo như kết quả các cuộc phỏng vấn với các giám đốc điều hành và nhân viên tại các công ty được SoftBank hỗ trợ trên khắp châu Á .
Tokopedia, trung tâm mua sắm trực tuyến lớn nhất của Indonesia, đã từng nói rằng công ty không có thời gian cụ thể phải đạt đến điểm hoà vốn và sinh lời. Công ty sẽ tiếp tục đầu tư để tăng trưởng vì “có một người như ông Son, không ngừng thay đổi thế giới bằng tầm nhìn của mình”, người sáng lập công ty và Giám đốc điều hành William Tanuwijaya của Tokopedia trao đổi với phóng viên báo Nikkei Asian Review vào hồi tháng 1.
Tokopedia giờ dường như đã thay đổi giọng điệu. Công ty đặt mục tiêu là "hòa vốn" vào năm tới, một phát ngôn viên của công ty cho biết. "Là một công ty công nghệ, chúng tôi tin rằng tăng trưởng và sự bền vững nên song hành, và chúng tôi đã chuẩn bị và lên kế hoạch để đạt được mục tiêu này ngay từ đầu."
Sự đổi giọng đột ngột sau sự đảo chiều vận may của SoftBank và Quỹ Tầm nhìn 100 tỷ USD diễn ra sau khi CEO Son của tập đoàn công bố khoản lỗ trị giá 6,5 tỷ trong quý II/2019 của công ty - mức tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Khoản lỗ này là kết quả của hai năm ký hợp đồng thoả thuận đầu tư điên cuồng, theo đó Quỹ Tầm nhìn đã rót hàng tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp châu Á - từ hãng gọi xe công nghệ khổng lồ Trung Quốc Didi Chuxing, đến công ty fintech Ấn Độ Paytm, công ty thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang, chuỗi khách sạn Ấn Độ Oyo và hãng gọi xe có trụ sở tại Singapore là Grab - tất cả đều được cho là hoạt động thua lỗ.
Tuy nhiên, mới đây, mọi hy vọng vào nguồn cung vốn dồi dào này tan biến dần khi Son tuyên bố rằng Quỹ Tầm nhìn sẽ “không đầu tư vì mục đích giải cứu, và tình hình tài chính của các công ty trong danh mục đầu tư của chúng tôi phải độc lập.”
"Những lo ngại về một kỳ ngủ đông đang đến đang ngày càng lan rộng trong giới khởi nghiệp, khi chứng kiến sự lao đao của WeWork của SoftBank," ông Aldi Adrian Hartanto, giám đốc đầu tư tại công ty MDI Ventures có trụ sở tại Jakarta, cho biết. "Các công ty đang hoặc là chuyển sang tập trung vào lợi nhuận, hoặc là tăng tốc các nỗ lực gây quỹ để tồn tại trong vòng 12-24 tháng tới."
Sự ngủ đông của các startup công nghệ - có thể có tác động trở lại đối với việc định giá không chỉ Châu Á mà còn trên toàn cầu - bắt đầu một cách nghiêm túc vào cuối mùa hè 2019, khi giá cổ phiếu của WeWork bắt đầu chao đảo và sau đó lao dốc.
Vài tuần sau, vào giữa tháng 9, ông Ritesh Agarwal, người sáng lập công ty khởi nghiệp khách sạn Ấn Độ Oyo Hotels & Homes và có quan hệ thân cận với ông Son, đã chỉ đạo các giám đốc điều hành tại chi nhánh Nhật Bản cần theo dõi chặt chẽ về lãi lỗ.
Đó là sự thay đổi định hướng đáng kinh ngạc của vị doanh nhân 25 tuổi, người thường nói về kế hoạch "nhanh chóng nhân rộng quy mô kinh doanh" để tạo ra hệ thống khách sạn nhượng quyền lớn nhất thế giới. Một động thái khác đặc biệt đáng lưu ý là, sau khi tuyển hàng trăm nhân viên ở Nhật Bản trong vòng chưa đầy sáu tháng, giờ ông Ritesh Agarwal lại muốn dừng lại việc tuyển dụng tất cả nhân viên không liên quan đến mảng kinh doanh.
Hãng gọi xe Grab mà SoftBank đã đầu tư 3 tỷ USD cũng đang chú trọng hơn vào lợi nhuận. Công ty đang lỗ này đã chi rất mạnh vốn đầu tư cho việc mở rộng thị phần.
Nhưng Grab hiện dường như đang tập trung hơn vào các ngành kinh doanh có lợi nhuận cao hơn, chẳng hạn như giao hàng thực phẩm. Nhất là khi “đồng nghiệp” Uber của Hoa Kỳ - cũng đang được SoftBank hỗ trợ và đã phải bán lại mảng kinh doanh tại thị trường Đông Nam Á cho Grab vào năm ngoái – đang chật vật với số tiền lỗ tăng theo cấp số nhân và giá cổ phiếu sụt giảm.
Mặc dù Grab thu 20% thu nhập từ các chuyến xe, hoạt động giao nhận đồ ăn của hãng - chiếm 1/5 tổng giá trị hàng hóa của công ty - có tỷ suất lợi nhuận trên 30%.
Cách tiếp cận của ông Son đã thay đổi rõ rệt – đầu tuần này ông nhấn mạnh rằng "không có thay đổi trong chính sách", trong khi đồng thời ông cũng nói "dòng tiền tự do", một thước đo chính về lợi nhuận, là cơ sở đo lường hiệu quả quan trọng nhất của Quỹ Tầm nhìn – và điều này đã không qua mắt được các chuyên gia phân tích.
"SoftBank Group tuyên bố rằng giờ đây họ sẽ tập trung vào kỷ luật đầu tư và kỷ luật tài chính thông qua việc rà soát tính sinh lời cho từng mục tiêu đầu tư và không cung cấp các khoản đầu tư cứu trợ", ông Satoru Kikuchi, nhà phân tích tại công ty chứng khoán SMBC Nikko Securities lưu ý với khách hàng của công ty”.
Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty khởi nghiệp đều đang thay đổi chiến lược của họ cho phù hợp.
Coupang, công ty thương mại điện tử của Hàn Quốc mà SoftBank đã đầu tư 2 tỷ USD vào năm ngoái, nói rằng hãng không có thay đổi trong chiến lược hoặc mối quan hệ với SoftBank.
Công ty đã báo cáo khoản lỗ hoạt động 1,1 nghìn tỷ won (1 tỷ USD) vào năm ngoái, với doanh thu 4,4 nghìn tỷ won, và cho biết họ sẽ tiếp tục "đầu tư vào các dịch vụ mới", như dịch vụ giao hàng trong ngày Rocket Delivery, nền tảng thương mại điện tử Coupang và dịch vụ giao nhận thực phẩm Coupang Eats.
Kể cả với những đối thủ cạnh tranh không dùng vốn của SoftBank luôn cho rằng cách tiêu tiền hoang phí làm méo mó thị trường, bất kỳ sự thu hẹp nào trong cách các hãng này chi tiêu tự do cũng sẽ là một tin vui.
Điều đó đặc biệt quan trọng nếu hỏa lực của SoftBank hoàn toàn cạn kiệt. Cuối tháng 10/2011, ông Son cho biết Quỹ Tầm nhìn đầu tiên đã "hoàn thành giai đoạn đầu tư", nhưng từ chối bình luận về những nỗ lực tiếp theo để gây dựng một Quỹ Tầm nhìn thứ hai thậm chí còn lớn hơn từ các nhà đầu tư đang ngày càng hoài nghi.
"Nếu Quỹ Tầm nhìn 2 không xảy ra, thì đó sẽ là một thay đổi lớn trong hệ sinh thái", một nhà đầu tư mạo hiểm ở Ấn Độ nói. "Những ngày vinh quang đã qua – điều đó không còn nghi ngờ gì nữa."