Trong quý I/2019, số cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam cũng như số địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (Ảnh minh họa: Internet)
Số liệu thống kê từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT cho thấy, từ giữa năm 2018 cho đến hết quý I/2019, khi các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng được quyết liệt triển khai, số lượng các cuộc tấn công mạng dẫn đến sự cố đã giảm so với giai đoạn trước.
Cụ thể, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã ghi nhận 10.220 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong cả năm 2018, giảm 1.023 cuộc so với năm 2017 (tương đương 10%). Trong đó có 5.932 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing); 3.198 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 1.090 cuộc tấn công cài cắm mã độc (Malware).
Cũng trong năm 2018, Trung tâm này ghi nhận 4.181.773 địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma (botnet), giảm 296.024 địa chỉ IP so với năm 2017 (tương đương 6%), sau khi Bộ TT&TT phối hợp với một số Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp xử lý bóc gỡ vào dịp cuối năm.
Đáng chú ý, thông tin mới nhất từ Cục An toàn thông tin cũng chỉ ra rằng, số cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam và số địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma đã tiếp tục giảm mạnh trong quý I/2019.
Trong đó, 3 tháng đầu năm nay, tổng số cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin ở Việt Nam là 1.534 cuộc của cả 3 hình thức Phishing, Deface và Malware, giảm 21,17% so với quý IV/2018, giảm 49,82% so với cùng kỳ quý I/2018. Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma tính đến cuối tháng 3/2019 là 1.845.133 địa chỉ, giảm 17,42% so với quý IV/2018 và giảm 56,19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải về những chuyển biến tích cực trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam kể trên, Cục An toàn thông tin cho rằng, các chiến dịch xử lý mã độc ở Hà Nội và TP.HCM do Bộ TT&TT (Cục An toàn thông tin) phối hợp với 2 thành phố triển khai thời gian vừa qua đã đạt được hiệu quả nhất định.
Về đánh giá, xếp hạng Chỉ số an toàn thông tin mạng, Cục An toàn thông tin cho biết, trong năm 2018, Bộ TT&TT và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã tổ chức khảo sát đánh giá mức độ bảo đảm an toàn thông tin mạng của các bộ, ngành, địa phương. Nội dung và phương thức đánh giá được xây dựng mới, tương ứng với các chỉ tiêu đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU) trong cuộc khảo sát đánh giá Chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu - GCI và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Kết quả, chỉ số An toàn thông tin mạng Việt Nam năm 2018 được quy đổi tương ứng với chỉ số của ITU (trong báo cáo GCI 2017) là 0,476 điểm so với kết quả đánh giá 0,245 điểm do ITU đánh giá năm 2017.
Trước đó, trong 2 kỳ ITU công bố báo cáo GCI vào tháng 4/2015 và tháng 7/2017, Việt Nam lần lượt xếp hạng 76/196 và 100/193 về an toàn thông tin mạng. Bộ TT&TT đặt mục tiêu sẽ cải thiện xếp hạng về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam theo đánh giá của ITU năm 2019 tăng 20 bậc so với đánh giá của tổ chức này công bố hồi tháng 7/2017.
Trong kế hoạch công tác tháng 4/2019, với lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT là hoàn thành xây dựng Chiến lược an toàn, an ninh mạng Việt Nam đến năm 2021, định hướng đến năm 2025 và Đề án xây dựng Trung tâm an toàn, an ninh mạng ASEAN.
Cũng trong tháng 4/2019, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số an toàn, an ninh thông tin toàn cầu của Việt Nam theo xếp hạng của ITU và báo cáo Thủ tướng Chính phủ công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng năm 2018.
Năm 2019, với lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, Bộ TT&TT đã xác định rõ mục tiêu là tạo ra được thị trường an toàn, an ninh mạng; phát triển các doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam đảm bảo an toàn hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Việt Nam trở thành trung tâm an ninh mạng của ASEAN.