Hotline: 0975.176.376 - 0975.73.75.77

CẦN QUAN TÂM LỢI ÍCH CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐEM LẠI CHO KHÁCH HÀNG VÀ NHÂN VIÊN

Việc quan tâm đến giá trị mà chuyển đổi số (CĐS) đem lại cho nhân viên sẽ khiến cho họ cảm thấy yêu thích, đóng góp và xây dựng... cho công ty. Từ đó, giúp doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững hơn trong giai đoạn hiện nay.

Việc quan tâm đến giá trị mà chuyển đổi số (CĐS) đem lại cho nhân viên sẽ khiến cho họ cảm thấy yêu thích, đóng góp và xây dựng... cho công ty. Từ đó, giúp doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững hơn trong giai đoạn hiện nay. 

102.banner(1).jpg
Chỉ khi giữ chân và tăng giá trị, tạo ra sự sáng tạo cho các nhân viên thì DN mới có thể phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Cơ hội vàng cho những DN cung cấp giải pháp CĐS

Điểm lại thị trường CĐS trên thế giới và tại Việt Nam, ông Lê Xuân Quế, Phó Giám đốc Công ty Viettel IDC cho biết, theo báo cáo cáo của Research And Market, hiện quy mô CĐS của thế giới năm 2022 ở mức 723,77 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng hàng năm rơi vào 23%, quy mô thị trường năm 2030 sẽ đạt khoảng 3.800 tỷ USD.

Còn đối với thị trường Việt Nam, báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á do Google, Temasek và Bain & Company công bố vào tháng 10/2022 cho thấy nền kinh tế số của Việt Nam dự kiến tăng 28%, lên 23 tỷ USD trong năm 2022. Trong đó, tốc độ tăng trưởng hàng năm của Việt Nam đang ở mức 31% và đến năm 2025 kinh tế số của Việt Nam sẽ ở mức 49 tỷ USD.

Tiếp theo, báo cáo về Chỉ số xã hội số của Hiệp hội hệ thống thông tin di động toàn cầu (GSMA) tháng 8/2022 cho thấy Việt Nam xếp thứ 7 trong các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương về xã hội số (sau Australia, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan Malaysia). Trong số đó, Việt Nam xếp thứ 5 điểm số về trụ cột thương mại số (digital commerce) và xếp thứ 7 điểm số về phong cách sống số (digital lifestyle).

“Những con số này đã cho thấy, bức tranh về CĐS ở Việt Nam và gợi ra rất nhiều tiềm năng cho các DN, tổ chức cung cấp dịch vụ số, CĐS cung cấp các chiến lược phù hợp”, ông Quế nhấn mạnh.

Ông Quế cũng đã tiếp tục đưa ra con số trong báo cáo “Báo cáo thường niên CĐS DN 2022” do Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện mới đây, về mức độ sẵn sàng CĐS khi mà có đến 35,3% đơn vị đã số hóa dữ liệu, quy trình (chủ yếu là đưa dữ liệu, văn bản, giấy tờ từ “bản cứng” sang “bản mềm” để lưu trữ trên hệ thống); Hơn 60% còn lại dừng ở mức kế hoạch.

Điều đó đã cho thấy, đa phần các DN khi CĐS mới dừng lại ở chiến lược như kênh bán hàng, mở rộng kế hoạch kinh doanh... Còn những hoạt động phục vụ cho kế hoạch dài hạn, bền vững như xây dựng năng lực hạ tầng CNTT, dữ liệu số, đàm bảo ATTT, quy trình hoá của DN thì ít được quan tâm hơn.

Tiếp theo, con số 95% công ty cần nhu cầu bên ngoài khi CĐS đã khẳng định nguồn nhân sự có kỹ năng CĐS của DN đang rất thiếu. “Đó là cơ hội cho những các đơn vị cung cấp dịch vụ và giải pháp về CĐS như Viettel IDC cũng như các đơn vị công nghệ khác”, ông Quế bày tỏ.

lxq.jpg
Ông Lê Xuân Quế; Dù đang là xu hướng nhưng quá trình CĐS ở các DN Việt vẫn còn rất chậm

3 xu hướng sẽ thúc đẩy CĐS ở Việt Nam

Cũng theo ông Quế, hiện các DN đang ở giai đoạn đầu của quá trình CĐS và trong thời gian tới, sẽ tiếp tục chứng kiến những xu hướng thúc đẩy quá trình này mạnh mẽ hơn nữa.

Đầu tiên là xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), khi mà công nghệ này đã và đang được hoàn thiện, ứng dụng vào nhiều nghiệp vụ giúp quá trình hoạt động của DN trở nên thông mình, vượt trội hơn.

Tiếp theo, đó là xu hướng gia tăng, cải thiện trải nghiệm khách hàng để giữ chân và tìm kiếm người dùng mới. Hiện nay, khi sử dụng các dịch vụ số, lòng trung thành của người dùng thường rất thấp và thường xuyên chuyển đổi nhà cung cấp dịch vụ. Do đó, nếu không quan tâm đến trải nghiệm khách hàng thì các đơn vị cung cấp sẽ mất đi người sử dụng và sẽ rất khó để lấy lại.

Xu hướng thứ 3 là làm việc từ xa. Nếu như COVID-19 đã khiến các DN thúc đẩy các hoạt động làm việc từ xa thì sau đại dịch, đã chuyển thành xu hướng làm việc hydrid (làm việc lai giữa trực tiếp và từ xa). Xu hướng này đang được các nhân sự có trình độ cao yêu thích và hướng đến việc lựa chọn các tổ chức, DN có cách làm việc như vậy. Nếu các DN không thực hiện CĐS, không xây dựng môi trường làm việc số thì sẽ không thể giữ chân hoặc lôi kéo các nhân sự cao cấp.

“Đấy là những xu thế sẽ thúc đẩy quá trình CĐS của DN ở Việt Nam”, ông Quế nhận định.

Nhiều rào cản khiến quá trình CĐS của DN Việt còn rất chậm

Giám đốc công nghệ của Viettel IDC cho rằng, mặc dù đang là xu hướng nhưng quá trình CĐS ở các DN Việt vẫn còn rất chậm. Trong đó, rào cản đầu tiên đến từ tầm nhìn, tư duy của người lãnh đạo. Bởi vì, CĐS là quá trình thay đổi toàn bộ hoạt động của tổ chức nên nếu người lãnh đạo không có tư duy, tầm nhìn cùng cam kết đủ mạnh thì sẽ không thể thành công được.

Khó khăn tiếp theo đến từ thời gian triển khai và chi phí ban đầu. Do CĐS không phải là một dự án mà là một quá trình kéo dài. Vì vậy, nếu DN không có sự chuẩn bị đủ sự kiên nhẫn, sự kiên trì thì sẽ rất khó thành công.

Một khó khăn khác theo ông Quế đến từ sự thiết hụt các nhân sự có kỹ năng về CĐS. Chưa kể, những nhân sự hiện nay cũng chưa đủ khả năng để theo kịp sự phát triển của công nghệ số. Do đó, các nhân sự kỹ thuật cần liên tục hỏi học.

Một vấn đề khác mà các DN gặp phải khi CĐS là không biết phải bắt đầu từ đâu và nên làm như thế nào. Đối với bài toán này, ông Quế cho rằng, CĐS có 3 yếu tố then chốt gồm công nghệ số, dữ liệu số và văn hoá số cùng với các khía cạnh cần chuyển đổi trong hoạt động của công ty như vận hành, kinh doanh, quản trị… Trong đó, quan trọng nhất là dữ liệu số vì bản chất của CĐS là sử dụng công nghệ và dữ liệu. Chính vì vậy, điều tiên quyết phải làm khi CĐS của mỗi DN là phải xây dựng, quản trị dữ liệu số.

Yếu tố quan trọng tiếp theo là văn hoá số. Do CĐS thực hiện đồng đều trong tổ chức nên nếu các đơn vị không xây dựng được một văn hoá số để mọi thành viên cùng đi theo và thực hiện thì quá trình chuyển đổi gặp rất nhiều khó khăn vì gặp những rào cản liên quan đến tư duy, quy trình cũ.

Còn về việc làm sao để DN có thể CĐS, theo ông Quế, không có một công thức chung cho tất cả vì mỗi đơn vị có một quy trình, tư duy, thứ tự ưu tiên, hoạt động kinh doanh khác nhau… Tuy nhiên, các DN cần đi theo 3 bước như sau. Bước thứ nhất, cần xác định mục tiêu mà CĐS sẽ đem lại cho tổ chức, tập trung những lợi ích mà việc chuyển đổi đem lại cho tổ chức. Từ đó xây dựng kế hoạch, cùng sự cam kết của lãnh đạo cao nhất.

Bước thứ hai là cần xây dựng, tổ chức, triển khai CĐS ở quy mô nhỏ để đánh giá năng lực nội tại của đơn vị mình có khả năng thực hiện hay không. Sau đó mới mở rộng CĐS cho toàn bộ tổ chức.

“Quá trình này kéo dài bao lâu thì phụ thuộc vào bài toán, nguồn lực của tổ chức ấy”, ông Quế nhận định.

Bước cuối cùng, các đơn vị cần xây dựng các giá trị mà CĐS đem lại như mô hình kinh doanh mới, doanh thu mới hay giá trị sẽ đem lại cho khách hàng…

Ngoài ra, DN có thể đánh giá CĐS thông qua việc nó sẽ đem lại những giá trị như thế nào cho các đối tượng tham gia gồm nhân viên, khách hàng. Với khách hàng, bên cạnh chi phí, một giá trị khác mà họ đem lại cho DN là thời gian sử dụng, trải nghiệm dịch vụ. DN cần tạo ra những giá trị tăng thêm hay dùng công nghệ để nâng cao giá trị khách hàng.

Còn với nhân viên - một tài sản của công ty, các đơn vị cần biết trân trọng và sử dụng họ một cách phù hợp. Cụ thể, các công ty cần xác định giá trị đem lại cho nhân viên là gì để người lao động cảm thấy yêu thích và dành toàn bộ thời gian để đóng góp, xây dựng giải pháp, đưa ra sáng kiến để tổ chức phát triển hơn. Khi các đơn vị tăng giá trị, tạo ra sự sáng tạo cho các nhân viên thì đồng nghĩa với việc đang tận dụng tài sản nhân lực một cách hiệu quả.

“Đây là một quan điểm mới, khi mà trước đây mọi người thường ít nhắc đến giá trị mà CĐS cần đem lại cho các nhân viên”, ông Quế nói.

Tuy nhiên, chỉ khi giữ chân được khách hàng và nhân viên thì công ty mới có thể gia tăng khách hàng, thu hút thêm nhân sự, qua đó mở rộng doanh thu và khai thác thị trường mới. Khi đó, DN mới có thể phát triển bền vững trong giai đoạn công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay./.