Đây là kết quả nghiên cứu, thử nghiệm của Viettel suốt 2 năm qua. Toàn bộ hệ thống hạ tầng và nền tảng cho IoT của Viettel sẽ sẵn sàng cung cấp cho khách hàng vào nửa đầu năm 2019. Với dấu mốc này, Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam và thuộc Top 70 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai mạng NB-IoT thương mại.
Gần 40.000 trạm 4G phủ rộng khắp cả nước là một trong những lợi thế rất lớn của Viettel trong việc chủ động triển khai IoT. Việc ứng dụng trong toàn mạng sẽ giúp mạng lưới viễn thông có thể kết nối vạn vật.
Nhấn để phóng to ảnh
Ông Tào Đức Thắng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội cho biết: “Trong cuộc cách mạng 4.0, Viettel xác định phải trở thành doanh nghiệp tiên phong ở Việt Nam. Hiện nay, khái niệm khách hàng đã được mở rộng, không chỉ là con người. Khách hàng là vạn vật. Với định nghĩa ấy, con số khách hàng phải là hàng tỉ, thậm chí hàng ngàn tỉ. Việc triển khai IoT là một minh chứng hiện thực hóa sứ mệnh ấy của Viettel, thể hiện cam kết, nỗ lực của chúng tôi vì một xã hội thông minh hơn, một Việt Nam hiện đại hơn”.
Nhấn để phóng to ảnh
Hiện nay, Viettel cũng đang thử nghiệm một số ứng dụng dựa trên hạ tầng kết nối và nền tảng IoT như đỗ xe thông minh (smart parking), giám sát chất lượng không khí (air monitoring), giám sát vị trí (location tracking), thiết bị đo lường (metering devices)… từ đó tạo cơ sở để chính thức phát triển và bùng nổ hệ sinh thái các dịch vụ IoT trong thời gian sắp tới.
Nhấn để phóng to ảnh
Ngoài thủ đô Hà Nội, dự kiến trong tháng 12/2018, Viettel sẽ tiếp tục triển khai diện hẹp trạm tại Tp. Hồ Chí Minh và hoàn thành phủ sóng toàn bộ hai đô thị đặc biệt này ngay trong quý 1/2019 trước khi từng bước đầu tư diện rộng trên toàn quốc và các thị trường nước ngoài.
Kết nối IoT là kết nối mạng Internet cho các vật, máy móc (things). Đặc điểm của nhóm này là tính kết nối truyền tin ít, tốc độ thấp. Công nghệ NB-IoT có khả năng ngắt kết nối với thiết bị khi không hoạt động. Chính vì thế thời gian liên lạc của thiết bị đầu cuối được kéo dài tới 5 năm mà không cần thay pin.
Theo ước tính đến năm 2020 có khoảng 20 tỷ thiết bị được gắn cảm biến và được điều khiển thông qua công nghệ NB-IoT, chiếm đến 74% tổng các thiết bị sử dụng trên toàn cầu. Đây là tiền đề để tạo nên một xã hội số đích thực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.