Dự kiến từ ngày 1-1-2018, doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp đang mua hóa đơn của cơ quan thuế sẽ phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Còn những doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn đặt in và tự in sẽ chuyển đổi dần theo lộ trình.
Lo nghẽn mạng và vẫn đòi kiểm tra hóa đơn giấy
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các doanh nghiệp lại tỏ ra băn khoăn trước sự thay đổi quá lớn này. Trong khi đó ngày 1-1-2018, quy định mới về hóa đơn sẽ được áp dụng, do vậy có quá ít thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị.
Một số doanh nghiệp cũng lo ngại trường hợp hệ thống đường truyền của cơ quan thuế gặp trục trặc thì sẽ không xuất được hóa đơn, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.
Ông Lý Thiên Minh, Giám đốc Công ty kiểm toán và đại lý thuế Đông Nghi, cho biết hiện nay mỗi khi đến kỳ khai thuế của tháng hoặc của quý là xảy ra tình trạng nghẽn mạng.
Năm 2018, khi áp dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực, nếu khách hàng mua hàng xong mà hóa đơn không xuất được vì mạng nghẽn thì rất phiền phức cho doanh nghiệp.
"Theo tôi, nên có lộ trình để cơ quan thuế chuẩn bị kỹ cơ sở hạ tầng, tránh ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp", ông Minh lo ngại.
Nhưng điều khiến ông Nguyễn Hữu Toàn, Giám đốc Công ty sắt thép Ngọc Hữu, TP.HCM, lo lắng là khi doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa trên đường mà nếu có cơ quan vẫn yêu cầu phải xuất trình hóa đơn giấy thì rất phiền phức.
"Do đó, nếu muốn mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử, cần có cơ chế công nhận hóa đơn điện tử ở tất cả các cơ quan quản lý liên quan", ông Toàn kiến nghị.
Ông Toàn cũng đề nghị cần phải đảm bảo dữ liệu điện tử được kết nối đồng bộ từ cơ quan thuế, hải quan... đến quản lý thị trường, tránh trường hợp mỗi cơ quan yêu cầu một hình thức hóa đơn khác nhau.
"Mỗi doanh nghiệp có đặc thù riêng. Đề nghị cơ quan thuế không bắt buộc trong lúc này. Nên để doanh nghiệp trong một hai năm tự phân tích, sắp xếp và quan sát. Nếu thấy lợi ích thì họ sẽ đăng ký chuyển đổi, thấy tiết kiệm thì người ta sẽ làm. Đợi thêm vài năm nữa thì hãy bắt buộc", đại diện Công ty Ajinomoto Việt Nam kiến nghị trong một hội thảo được tổ chức mới đây.
Tưởng giảm chi phí hóa ra tăng
Một quan ngại khác của các doanh nghiệp là về chi phí khi áp dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực.
Bà N.T.T.M., kế toán một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM, cho biết đã áp dụng hóa đơn điện tử từ năm 2016, lợi ích mà loại hóa đơn này mang lại rất lớn, nhất là với đặc thù kinh doanh phải xuất rất nhiều hóa đơn mỗi ngày như dịch vụ ngân hàng.
Tuy nhiên, điều bà M. băn khoăn là cơ quan thuế đề xuất mức phí lên đến 300 đồng/hóa đơn khi xác thực.
"Tính ra, mỗi năm chúng tôi sẽ mất khoảng 300 triệu đồng. Như vậy là không phù hợp với mục tiêu giảm chi phí cho doanh nghiệp như Bộ Tài chính nêu. Chúng tôi kiến nghị không thu khoản phí này" - bà M. nói.
Còn theo ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn, hiện chi phí 1 tờ hóa đơn chỉ khoảng 100 đồng, nếu in 3 liên hóa đơn mới mất 300 đồng nhưng doanh nghiệp không bị buộc phải in hết 3 liên mà có thể tự quyết định số liên muốn in.
Trong khi xác thực một tờ hóa đơn hết 300 đồng, xác thực xong doanh nghiệp vẫn phải in ra hóa đơn.
"Như vậy chẳng những không tiết kiệm mà còn làm cho doanh nghiệp tăng thêm chi phí. Sao Tổng cục Thuế không lập một trang để doanh nghiệp tự truy cập vào xác thực hóa đơn thay cho việc phải thông qua các nhà T-VAN (đơn vị cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về dịch vụ điện tử trong lĩnh vực thuế) và trả chi phí cho họ?", ông Linh đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Linh, số lượng T-VAN hiện quá ít, khoảng 8 doanh nghiệp, như vậy liệu có đủ đáp ứng cho thị trường hay không?
So sánh thủ tục giữa hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử
Doanh nghiệp được lợi?
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng thuế giá trị gia tăng, Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế, có nhiều bất tiện trong quản lý khi doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giấy.
Cụ thể, do hiện nay không có sự kết nối dữ liệu với cơ quan thuế nên một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của luật đã thành lập nhiều công ty hoặc mua lại doanh nghiệp, từ đó xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng để khấu trừ, hoàn khống thuế giá trị gia tăng...
Việc sử dụng hóa đơn giấy cũng khiến cơ quan thuế mất rất nhiều thời gian khi thanh tra kiểm tra vì phải xác minh đối chiếu hóa đơn hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.
Hơn nữa, với hàng tỉ hóa đơn được xuất ra mỗi năm, cơ quan thuế không thể nào xác minh được hết mà chỉ có thể nhặt ra vài hóa đơn điểm để kiểm tra.
Theo cơ quan thuế, giao dịch trong nền kinh tế ngày càng nhiều, do vậy lượng hóa đơn sử dụng cũng ngày càng tăng.
Việc chuyển hơn 4,1 tỉ hóa đơn giấy này sang hóa đơn điện tử sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí cho xã hội: giảm thời gian làm thủ tục hành chính thuế, giảm chi phí cho doanh nghiệp cũng như khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn.
Chính vì thế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ mở rộng đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực, đồng thời đề xuất bỏ ngưỡng quy định khi bán hàng hóa dịch vụ với mức 200.000 đồng phải xuất hóa đơn, mà cứ bán hàng là phải xuất hóa đơn.
Hóa đơn điện tử khi có mã xác thực của cơ quan thuế sẽ có giá trị pháp lý, doanh nghiệp không lo chuyện mua phải hàng hóa của doanh nghiệp bỏ trốn như trước đây, dẫn đến những rắc rối không đáng có khi bị cơ quan thuế kiểm tra.