Sáng ngày 10/10, tại Hà Nội, Bộ TT&TT, cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022.
Sự kiện có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số Phạm Minh Chính; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào, Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham VONGDARA.
Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương, các ủy viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cùng đại diện các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, các đoàn ngoại giao, đại diện các đại sứ quán của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Phát biểu tại chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Cùng với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng và hàng ngày. Chuyển đổi số góp phần phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, giúp giải quyết hiệu quả các mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh; hạ giá thành sản phẩm; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập tới việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ triển khai theo hướng chuyển đổi số một cách toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước.
Thời gian qua, việc chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đã đạt được các kết quả tích cực: nhận thức và hành động về chuyển đổi số có nhiều chuyển biến; xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo; hạ tầng số được tăng cường đầu tư, nhiều nền tảng số tiếp tục phát triển.
Cùng với đó, cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số, công tác truyền thông được thúc đẩy. Dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng. An ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng. Nguồn lực về tài chính và nhân lực dành cho chuyển đổi số đã được tăng cường. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP cũng ngày càng tăng.
"Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và những kết quả đạt được của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Kết quả ngày hôm nay mới chỉ là bước đầu, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước. Để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội. Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực và là nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển", Thủ tướng nói.
Nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng cũng đã công bố thông điệp của Chính phủ đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới. Trước hết là, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử, Đổi mới sáng tạo và Năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.
Thông điệp nhấn mạnh, phải nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến. Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích và va chạm.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ. Chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.
Trong thông điệp của Thủ tướng đã nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến… Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng số dùng chung; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số. Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Song song đó, cần tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả.
"Với quyết tâm và sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thời gian qua, chúng ta tin tưởng rằng, công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2022 và Kế hoạch 05 năm 2021 - 2025, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân được ấm no, hạnh phúc". Thủ tướng nhấn mạnh.Lần đầu tiên tổ chức Ngày chuyển đổi số quốc gia
Ngày 10/10 hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ chọn là Ngày chuyển đổi số quốc gia, tại Quyết định 505 ngày 22/4. Việc tổ chức Ngày chuyển đổi số quốc gia hằng năm sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Trong năm đầu tiên được tổ chức, Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 có chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Theo đó, việc làm được đặc biệt quan tâm là tập trung vào việc phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thúc đẩy, quảng bá toàn dân tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy, phổ cập kỹ năng số, làm cho người dân được thụ hưởng các lợi ích do chuyển đổi số mang lại.
Phát biểu khai mạc sự kiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chuyển đổi số thì trước tiên là nhận thức. Chuyển đổi số là một hành trình dài toàn dân và toàn diện. Chuyển đổi số chỉ có thể thành công nếu lấy người dân làm trung tâm và huy động được sự tham gia của toàn dân.
Vì vậy, Ngày Chuyển đổi số quốc gia là dịp để nâng cao nhận thức của toàn dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống của mỗi người dân nói riêng, với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước nói chung.
Chuyển đổi số là hành động. Nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là đưa hoạt động của người dân lên môi môi trường số thông qua các nền tảng số Make in Viet Nam. Tháng 10 là tháng tiêu dùng số.
Bộ TT&TT đã chỉ đạo lựa chọn, đánh giá và công bố 16 nhóm nền tảng số phục vụ nhu cầu người dân. Mạng lưới Tổ công nghệ số cộng đồng đã được thiết lập trên toàn quốc. Hơn 100.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong cơ quan nhà nước từ trung ương đến cấp xã đã được bồi dưỡng, tập huấn cơ bản về chuyển đổi số. Hơn 5 triệu lượt người dân được tiếp cận, phổ biến kỹ năng số cơ bản thông qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà.
“Vì vậy, ngày chuyển đổi số quốc gia là ngày toàn dân, toàn quốc cùng nhau học tập, cùng nhau nỗ lực hành động”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Hơn 150 bài toán chuyển đổi số được công khai để tìm lời giải
Với quan niệm "câu hỏi đúng thì quan trọng hơn câu trả lời, bài toán tường minh thì quan trọng hơn lời giải. Việc khó với mình thì có thể là không khó với một ai đấy ngoài kia. Cách tốt nhất để phát triển là công khai bài toán, vấn đề của mình. Vì vậy, Bộ TT&TT đã tập hợp các bài toán, các vấn đề chuyển đổi số Việt Nam", hơn 150 bài toán của bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã được công bố trên chuyên trang c63.mic.gov.vn.
Từ đây, đã có những doanh nghiệp tìm cách giải quyết các bài toán của bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và kết quả tích cực bước đầu của việc công khai các bài toán chuyển đổi số đã phần nào được thể hiện qua cuộc thi Viet Solutions mùa thứ 4, một trong các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia.
Tại Ngày chuyển đổi số quốc gia, 5 hạng mục giải thưởng Viet Solutions 2022 đã được trao gồm: Bài toán và giải pháp chuyển đổi số xuất sắc cho bộ, ngành; Bài toán và giải pháp chuyển đổi số xuất sắc cho địa phương; Bài toán và giải pháp chuyển đổi số xuất sắc cho doanh nghiệp; Bài toán và giải pháp chuyển đổi số xuất sắc cho cộng đồng; và giải thưởng tôn vinh giải pháp chuyển đổi số trong năm.
Ngọc Minh