Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị lãnh đạo thực hiện nghi thức khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia (Ảnh: T.Trung) |
Tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử
Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia vừa được Văn phòng Chính phủ (VPCP) chính thức khai trương chiều nay, ngày 12/3/2019 tại Trung tâm hội nghị quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, có kết nối truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham dự và bấm nút khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. Tham dự buổi lễ khai trương còn có ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP; ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TT&TT; đại diện một số bộ, ngành và các tỉnh thành; đại diện tập đoàn VNPT, Viettel cùng các vị khách quốc tế.
Trong phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Trục liên thông văn bản quốc gia là tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số.
“Đây là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới của Chính phủ điện tử”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng cho biết, việc khai trương Trục liên thông Văn bản quốc gia là một trong những bước đi chuẩn bị cho việc triển khai ở giai đoạn tiếp theo nền tảng tích hợp, chia sẻ quốc gia kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Cũng tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhận định: “Việc Trục liên thông văn bản quốc gia được xây dựng, hoàn thiện và chính thức đưa vào sử dụng là điều kiện kỹ thuật quan trọng để liên thông, kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Có thể nói, chúng ta đã đi được những bước đầu tiên, quan trọng, thành công tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử”.
Trong báo cáo tình hình triển khai Quyết định 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước (Quyết định 28), VPCP cho biết, xây dựng Chính phủ điện tử là một trong những nội dung quan trọng của cải cách hành chính nhằm thực hiện hóa quyết tâm của Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng hiệu quả lớn”, thời gian qua, VPCP đã tổ chức các đoàn công tác khảo sát có sự tham gia của Bộ TT&TT, Ban Cơ yếu Chính phủ, các tập đoàn, Công ty mạnh về CNTT, học tập kinh nghiệm về quản trị hành chính công và xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số tại các quốc gia thành công, có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc như Malaysia, Estonia, Pháp, Hàn Quốc, Nga; tổ chức nhiều hệ thống quốc tế về xây dựng Chính phủ điện tử.
Trên cơ sở kết quả học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới, VPCP, Bộ TT&TT và các bộ, ngành liên quan, đánh giá tình hình triển khai Chính phủ điện tử trong thời gian qua, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử phù hợp xu hướng phát triển Chính phủ điện tử của thế giới và tình hình thực tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Một trong những kết quả đạt được thời gian qua là VPCP đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 28. Đây là một trong những bước đi đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số giữa các cơ quan hành chính nhà nước để phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn. VPCP đã khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan thuốc đẩy tiến độ triển khai Quyết định 28.
Đã có hơn 47.600 văn bản được gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia
Thông tin về kết quả chuyển đổi sử dụng Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử, VPCP cho hay, ngày 19/1/2019, VPCP đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cùng với tập đoàn VNPT – đơn vị triển khai, để tiến hành chuyển đổi hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ mới, thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử với 95 bộ, ngành, địa phương; thực hiện theo dõi, đánh giá tình hình gửi, nhận văn bản của các bộ, ngành, địa phương sau chuyển đổi. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đang hoạt động ổn định.
Cụ thể, số lượng đơn vị kết nối hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH) thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia là 95/95 cơ quan (31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng) đã hoàn thành kết nối thông qua mạng Truyền số liệu chuyên dùng của các cớ quan Đảng, Nhà nước.
Tính đến ngày 8/3/2019, 100% cơ quan đã hoàn thành cập nhật mã định danh cơ quan theo Thông tư 10/2016/TT-BTTTT ngày 1/4/2016 của Bộ TT&TT về việc ban hanh Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc mã định danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các phần mềm QLVB&ĐH.
Trong thời gian từ ngày 19/1/2019 đến 8/3/2019 đã có 12.257 văn bản gửi, 35.360 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia, trong đó Thanh tra Chính phủ chưa phát sinh gửi văn bản điện tử. Hiện 63/95 cơ quan đã chuẩn bị được máy chủ bảo mật dùng riêng, tích hợp chứng thư số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp (bảo đảm văn bản điện tử gửi, nhận thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia được thông suốt, an toàn, an ninh), 32/95 cơ quan đang sử dụng máy chủ bảo mật chung do VPCP cung cấp.
Thống kê của VPCP cũng cho thấy, 32/95 cơ quan đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm QLVB&ĐH, đang chạy chính thức; 8/95 cơ quan đã hoàn thiện việc nâng cấp, đang trong giai đoạn kiểm thử; 19/95 cơ quan đang thực hiện nâng cấp phần mềm; các cơ quan còn lại có kế hoạch cụ thể nâng cấp phần mềm.
Đặc biệt, về bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, VPCP khẳng định vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia được VPCP đặc biệt quan tâm. Do vậy, VPCP đã phối hợp với các Bộ, Công an, TT&TT tiến hành kiểm tra, đánh giá an toàn an ninh đối với hệ thống thiết bị, hệ thống ứng dụng Trục liên thông văn bản quốc gia. VPCP sẽ tiếp tục cùng Bộ TT&TT, Bộ Công an liên tục rà soát, đánh giá an toàn bảo mật đối với Trục liên thông văn bản quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn tối đa cho hệ thống.
Theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ, Trục liên thông văn bản quốc gia là giải pháp kỹ thuật, công nghệ được triển khai từ VPCP tới các bộ, ngành, địa phương để kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử.
Tại “Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025” mới ban hành, một trong những nhiệm vụ VPCP được giao chủ trì thực hiện là xây dựng, phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu… và là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đưa vào vận hành năm 2019, tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2020-2025.
M.T