Trong tham luận đóng góp cho hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” được tổ chức mới đây, Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT cũng đã nhấn mạnh, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân là một trong những vấn đề nóng, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong công tác bảo đảm an toàn thông tin.
Cụ thể, trong năm 2018 đã xảy ra nhiều sự cố mất, lộ, lọt thông tin cá nhân trong và ngoài nước. Nhiều thông tin bị đem rao bán trên mạng Internet với đầy đủ dữ liệu về họ tên, địa chỉ, số điện thoại, thậm chí cả thông tin tài khoản ngân hàng và các thông tin nhạy cảm khác.
Đứng trước vấn đề này, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành Việt Nam đã đưa ra một số quy định mang tính nguyên tắc đối với vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục An toàn thông tin, hiện các quy định mới chỉ dừng lại ở mức hết sức nguyên tắc, với việc xác định một số đối tượng chính và một số hành vi cơ bản cần điều chỉnh. Trên thực tế, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân đã trở nên nóng hơn, thu hút được sự quan tâm của dư luận trong thời gian qua. Vì vậy, cần có chính sách thắt chặt hơn nữa việc bảo vệ thông tin cá nhân ở Việt Nam trong thời gian tới.
“Bộ TT&TT nhận thấy rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Bộ Tư pháp, Bộ TT&TT và các đơn vị liên quan trong việc xây dựng một cơ chế, chính sách nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin cá nhân trước bối cảnh nhiều vụ việc lộ lọt, mất thông tin cá nhân xảy ra trong thời gian qua”, Cục An toàn thông tin nêu.
Để góp phần giải quyết tình trạng trên, trong kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2019, với lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, Bộ TT&TT đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là xây dựng Đề án bảo vệ thông tin cá nhân tại Việt Nam và kế hoạch hành động của Bộ. Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng dự kiến sẽ xây dựng Đề án bảo vệ thông tin cá nhân và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên không gian mạng.
Bên cạnh đề xuất về biện pháp để bảo vệ thông tin cá nhân ở Việt Nam, cũng trong tham luận tại hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”, Cục An toàn thông tin – Bộ TT&TT cũng kiến nghị về một số biện pháp cụ thể khác nhằm đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Cụ thể, cần có sự phối hợp cụ thể, chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành có liên quan như Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an... trong công tác như kiểm tra, giám sát, công tác đánh giá xây dựng, thực thi các chính sách pháp luật về an toàn thông tin. “Hiện nay, có nhiều văn bản pháp luật cùng quy định về bảo vệ thông tin cá nhân hoặc bảo đảm an toàn thông tin. Vì vậy, cần có sự thống nhất, cụ thể hóa giúp cho tổ chức, cá nhân nắm được các quy định chung”, Cục An toàn thông tin cho hay.
Cùng với đó, cần đánh giá tình hình thực tế và hoàn thiện các cơ chế chính sách trong lĩnh vực an toàn thông tin để hoạt động bảo đảm an toàn thông tin đi vào thực tiễn đời sống. Cụ thể, theo đề xuất của Cục An toàn thông tin, hàng năm, Bộ TT&TT là đơn vị làm đầu mối, đánh giá chung về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về bảo đảm an toàn thông tin. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương có liên quan thực hiện đánh giá quá trình thực thi, triển khai các chính sách đảm bảo an toàn thông tin trong phạm vi, chức năng của đơn vị mình.
Ngoài ra, cần định kỳ tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, ước lượng tác động của các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thông tin tới nhiều đối tượng cơ quan, tổ chức để trên cơ sở đó điều chỉnh các chủ trương, chính sách được kịp thời, có hiệu quả.
Đại diện Cục An toàn thông tin cũng lưu ý thêm: “Bên cạnh việc đưa ra các chính sách, quy định nhằm bảo đảm an toàn thông tin, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổi biến tới các đối tượng trong và ngoài cơ quan nhà nước về nội dung các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này”.