Hợp tác này giữa Qualcomm và Viettel sẽ là nền tảng trong chiến lược về cơ sở hạ tầng 5G. |
Viettel và Qualcomm vừa công bố kế hoạch hợp tác và phát triển các khối vô tuyến 5G (5G Radio Unit), tích hợp công nghệ không dây Multiple Input-Multiple Output (MIMO) khổng lồ và các khối phân tán (DU). Quan hệ hợp tác tập trung vào việc giúp theo dõi sự phát triển, hoạt động triển khai cơ sở hạ tầng và dịch vụ mạng 5G tại Việt Nam và toàn cầu.
Kết hợp card tăng tốc Qualcomm® X100 5G RAN và Nền tảng MIMO Qualcomm® QRU100 5G RAN với hệ thống phần cứng và phần mềm tiên tiến của Công nghệ cao Viettel sẽ giúp nhà mạng đẩy nhanh phát triển và thương mại hóa các giải pháp MIMO lớn Open RAN hiệu suất cao, đơn giản hóa việc triển khai mạng và giữ tổng chi phí sở hữu (TCO) ở mức thấp hơn.
Ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng Giám đốc Công nghệ cao Viettel cho biết: “Viettel là nhà mạng tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ viễn thông mới, 5G cũng là một trong số đó. Qualcomm Technologies là đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ cốt lõi cho dự án hệ thống trạm gốc di động 5G gNodeB. Mối quan hệ hợp tác giữa Qualcomm Technologies và Tập đoàn Viettel sẽ là nền tảng trong chiến lược về cơ sở hạ tầng 5G”.
Ông Durga Malladi, Phó chủ tịch và Tổng giám đốc cấp cao, Cơ sở hạ tầng và Module di động, Qualcomm Technologies chia sẻ: “Qualcomm Technologies, với tư cách là công ty dẫn đầu về công nghệ toàn cầu trong 5G, mong muốn được hợp tác với Viettel phát triển các giải pháp Open RAN để thiết lập nền tảng cho thế hệ mạng không dây tiếp theo của Việt Nam. Sự hợp tác sẽ chứng minh khả năng mở rộng nền tảng theo chiều ngang của Qualcomm Technologies cho việc hội nhập theo chiều dọc trong hệ sinh thái cơ sở hạ tầng ORAN. Chúng tôi rất vui được cung cấp công nghệ Modem-RF hiệu suất cao, tiết kiệm điện năng, hỗ trợ nhu cầu hiệu suất cần thiết để mang lại tốc độ nhanh chóng và mở rộng các trường hợp sử dụng mạng 5G cho người tiêu dùng”.
Ông ST Liew, Phó Chủ tịch Qualcomm Technologies Châu Á – Thái Bình Dương cho hay: “Khi nhu cầu về trải nghiệm di động đáng tin cậy, mạnh mẽ và hiệu quả ngày càng tăng trên khắp Việt Nam, chúng tôi dự đoán sẽ có một làn sóng nhu cầu mới về dịch vụ 5G từ cả người dùng cuối và doanh nghiệp. Tham gia hợp tác với Viettel sẽ cho phép chúng tôi đổi mới công nghệ thúc đẩy hệ sinh thái di động và đẩy nhanh việc kích hoạt cũng như triển khai các hệ thống mạng hiện đại trên quy mô lớn. Chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Viettel để triển khai hạ tầng và dịch vụ 5G tiên tiến cho Việt Nam và toàn cầu”.
Bộ TT&TT xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là triển khai thương mại 5G với các thiết bị Make in Vietnam. Thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất đã đầy đủ ở các phân lớp hệ thống mạng 5G gồm mạng lõi, mạng truyền dẫn, mạng truy cập và được triển khai cung cấp thử nghiệm dịch vụ ở một số khu vực.
Bình luận về quá trình triển khai 5G tại Việt Nam, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho rằng, 5G đóng vai trò nền tảng của hạ tầng số trong nền kinh tế số, hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới trong rất nhiều ngành kinh tế quan trọng như giao thông vận tải, năng lượng, nông nghiệp, y tế… Với nền kinh tế trước đây, chúng ta phải xây dựng đường giao thông, cầu cống, sân bay, cảng biển, tòa nhà… Nhưng với nền kinh tế số thì hạ tầng số và 5G sẽ là yếu tố rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số cũng như phát triển kinh tế một cách toàn diện. Bên cạnh đó, 5G là hạ tầng để phát triển thành phố và đô thị thông minh, là một nền tảng quan trọng của nền kinh tế số để hỗ trợ con người, hỗ trợ ứng dụng các công nghệ mới như robot trong rất nhiều ngành khác nhau. Khi ứng dụng 5G, công nghệ 4.0 sẽ trở thành tiền đề rất quan trọng nhằm thu hút các ngành đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thông minh, đồng thời thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước.
Thái Khang