10 thành tựu chuyển đổi số ngành Y tế
Tại lễ phát động giải thưởng "Chuyển đổi số Việt Nam" 2021 ngày 30/3/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực và ngành nghề trong xã hội, đặc biệt là ngành Y tế. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, với sự nỗ lực của toàn ngành Y tế, công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã và đang triển khai, thực hiện 10 nội dung nổi bật chuyển đổi số (CĐS) trong ngành Y tế. Đầu tiên, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản góp phần hoàn thiện để làm cơ sở cho CĐS y tế.
Tiếp theo, Bộ Y tế đã khai trương Cổng dịch vụ công Bộ Y tế vào năm 2019. Đến ngày 30/6/2020, 100% thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ Y tế đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4.
Bộ Y tế cũng đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử trong cơ quan nhà nước, triển khai tới các đơn vị thuộc Bộ, tích hợp với các Sở Y tế, đảm bảo 100% hoạt động quản lý văn bản điều hành đã thực hiện trên môi trường mạng và được đăng ký số.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã khai trương Cổng công khai Y tế là kênh chính thống của Bộ để người dân và doanh nghiệp (DN) tra cứu các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý TTHC, những vi phạm trong quảng cáo,…
"Thông qua Cổng công khai Y tế người dân thực hiện quyền được biết và giám sát các dịch vụ mà ngành Y tế cung cấp, tiến tới công khai giá trúng thầu của các gói thầu thiết bị y tế. Cổng công khai Y tế sẽ giúp các cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm thiết bị y tế tham khảo, lập dự toán nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế", Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã tiến hành đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong bệnh viện. Kết quả, 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện. Trong đó, có 10 bệnh viện và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; 23 bệnh viện triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim, hệ thống PACS cloud; ứng dụng đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng robot trong y tế, ứng dụng hỗ trợ ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện, cảnh báo tương tác thuốc; hỗ trợ tư vấn - Chatbot; nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin bệnh viện.
Đồng thời, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan BHXH. Hiện đã có 99,5% cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam.
Bộ Y tế xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế. Bộ Y tế đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025. Đặc biệt, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ Khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa Telehealth.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Theo kế hoạch này, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã bước đầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời như tỉnh Phú Thọ, Tỉnh Bình Dương,…
Thời gian qua, Bộ Y tế đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong y tế cơ sở, xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã thống nhất theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế; hình thành nền tảng quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế V20. Bộ đã tổ chức triển khai hệ thống thống kê y tế điện tử trên toàn quốc.
Cuối cùng, Bộ Y tế đã triển khai nhiều ứng dụng CNTT hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 gồm: phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), Bluezone, An toàn COVID,…
Ngoài ra, Bộ Y tế còn triển khai các hệ thống thông tin lớn như: mạng kết nối y tế Việt Nam, Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSD) dược quốc gia, kết nối liên thông CSDL cung ứng thuốc trên toàn quốc; triển khai hệ thống tiêm chủng quốc gia,… hướng tới CĐS toàn diện ngành Y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ: "Để đạt được các kết quả về CĐS y tế như trên, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của toàn Ngành Y tế, sự hợp tác, giúp đỡ của các bộ, ngành, địa phương, còn có sự đóng góp hiệu quả, trực tiếp của đội ngũ nhân lực, các DN CNTT".
Chính vì thế, Bộ Y tế sẽ ủng hộ và đồng hành cùng Hội Truyền thông số Việt Nam trong việc tôn vinh các đơn vị, cá nhân tiêu biểu, đổi mới suất sắc trong việc cung cấp, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.
"Tôi mong rằng Hội truyền thông số Việt Nam, các cơ quan truyền thông, báo chí, các DN CNTT sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ ngành y tế trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt là trong CĐS y tế", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định.
Ứng dụng CNTT là một trong số những nguyên nhân giúp kiểm soát tốt dịch Covid-19
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thành công trong công tác phòng chống dịch Covid-19 là việc triển khai ứng dụng CNTT mạnh mẽ. Ngay từ khi xuất hiện các ca bệnh đầu tiên, Bộ Y Tế đã kết hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT để ứng dụng công nghệ trong công tác chỉ đạo điều hành.
Trước đây, Bộ Y tế thường phải mời lãnh đạo các địa phương đến một địa điểm nào đó, nhưng nhờ việc ứng dụng CNTT, Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế chỉ cần 1 đầu cầu ở TW là có thể triển khai đến hàng trăm điểm cầu tại tại thị xã, thành phố. "Việc ứng dụng công nghệ đã giúp công tác chỉ đạo điều hành kịp thời và quyết liệt, khi địa phương có những ca bệnh, Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế đã trực tiếp chỉ đạo, điều hành, họp nhất nhất biện pháp xử lý ngay lập tức mà không mất nhiều thời gian", Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.
Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT còn được thực hiện trong công tác khai báo, khi yêu cầu người dân cài đặt ứng dụng NCOVI cũng như Bluezone.
Việc ứng dụng CNTT còn giúp truy vết các ca bệnh nghi ngờ một cách nhanh chóng. Đây cũng là lý do khiến công tác kiểm soát dịch bệnh được thực hiện tốt, khi phát hiện nhanh các trường hợp F1 – những người tiếp xúc gần với ca bệnh, từ đó giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
"Ứng dụng Bluzone đã giúp khoanh vùng sớm các trường hợp này để đưa đi cách ly, vì chỉ cần giám sát không hết thì nguy cơ lây lan ngoài cộng đồng là rất lớn. Như các trường hợp gần đây, chỉ trong vòng mấy tiếng, thông qua ứng dụng Bluezone là chúng ta đã có thể truy vết tất cả các đối tượng nghi ngờ", Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.
Ngoài ra, ứng dụng CNTT còn giúp xây dựng cẩm nang trong công tác phòng chống dịch thông qua việc tạo ra bản đồ an toàn Covid-19. Mỗi địa phương dựa trên các cơ sở tiêu chí của Bộ mà đưa ra và cập nhật bản đồ các cơ sở y tế, nếu an toàn thì sẽ có màu xanh, chưa an toàn/chưa đáp ứng đủ tiêu chí thì có màu vàng, cơ sở không an toàn thì có màu đỏ.
Bản đồ này cũng áp dụng tương tự cho các cơ sở khách sạn/lưu trú, trung tâm thương mại. "Từ đó, người dân có thể biết được bệnh viện nào an toàn để đến khám, chữa bệnh, Điều này cũng thúc đẩy các cơ sở y tế muốn thu hút người dân thì phải triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Từ những thành công này, trong kế hoạch ứng dụng CNTT đến năm 2030, Bộ Y tế đã đưa ra ứng dụng CNTT, CĐS trong tất cả các lĩnh vực từ y tế dự phòng, khám chữa bệnh, đào tạo… Tuy nhiên, Bộ Y tế sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực trong thời gian tới, bao gồm: Hồ sơ sức khoẻ điện tử để người dân đến khám chữa bệnh không cần hô sơ giấy, dù đến bất kì cơ sở y tế nào; Hình thành hệ thống khám chữa bệnh thông minh hay bệnh viện thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Quản trị y tế thông minh để giúp Bộ y tế chỉ đạo, điều hành đến các cơ sở y tế trong cả nước.