Cách làm mới trong triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 4
Ngày 30/6, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ công bố hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức 4 thuộc thẩm quyền của Bộ. Sự kiện do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế chủ trì.
Theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế, tại buổi giao ban cơ quan Bộ Y tế ngày 5/12/2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ có cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phấn đấu chậm nhất trong 6 tháng đầu năm 2020 cung cấp 100% DVCTT mức độ 4, kết nối vào Cổng dịch vụ công của Bộ Y tế.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian qua, lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã vào cuộc tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong việc triển khai DVCTT mức độ 4 của Bộ Y tế.
Đến nay, Bộ Y tế đã hoàn thành cung cấp DVCTT mức độ 4 với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của mình, kết nối với Cổng dịch vụ công Bộ Y tế. Theo thống kê tính từ ngày 1/1/2020 đến nay, với 321 dịch vụ công trực tuyến, tổng số hồ sơ được xử lý trực tuyến là: 33.429 hồ sơ. Trong đó, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế xử lý 4.919 hồ sơ; Cục An toàn thực phẩm xử lý 8.708 hồ sơ; Cục Quản lý Dược xử lý 18.027 hồ sơ; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh xử lý 1.724 hồ sơ...
“Như vậy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Y tế đã tăng tốc, đột phá, thực hiện mục tiêu kép vừa tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để phòng chống dịch Covid-19 lẫn thực hiện chuyển đổi số trong y tế, đã thực hiện được số thủ tục hành chính trên môi trường mạng gấp hơn 2,5 lần so với 5 năm trước đó”, ông Tường cho hay.
Đến cuối quý II/2020, Bộ TT&TT đã đạt 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4 (Ảnh: Vân Anh) |
Cùng với Bộ Y tế, tính đến cuối quý II/2020, Bộ TT&TT cũng đưa 100% dịch vụ công thuộc thẩm quyền của Bộ lên cung cấp trực tuyến mức độ 4 tập trung trên Cổng dịch vụ công của Bộ tại https://dichvucong.mic.gov.vn.
Theo thống kê của Trung tâm thông tin Bộ TT&TT, hiện nay, Bộ có 255 dịch vụ công thuộc quản lý của Bộ, trong đó có 211 dịch vụ công thực hiện tại Bộ và 211 dịch vụ công này sẵn sàng mức độ 4.
Bộ TT&TT là một trong 2 Bộ, Ngành đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, bao gồm: Đăng nhập một lần; Đồng bộ hồ sơ; Xử lý Hồ sơ;Thanh toán trực tuyến. Đã có 14 dịch vụ công trực tuyến của Bộ được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đứng thứ 4 về số lượng trong các Bộ/Ngành.
Dự kiến, trong hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước ngành TT&TT 6 tháng đầu năm 2020 diễn ra ngày 6/7 tới, Bộ TT&TT sẽ công bố hoàn thành cung cấp 100% DVCTT mức độ 4 của Bộ.
Các DVCTT của Bộ Y tế và Bộ TT&TT được triển khai theo cách làm mới là không lựa chọn cung cấp lần lượt như trước đây mà đưa tất cả các dịch vụ công có khả năng lên mức 4.
Tại sự kiện, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế đã chia sẻ các kinh nghiệm, bài học thành công trong triển khai cung cấp DVCTT mức 4. Theo đó, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được nhận định là yếu tố tiên quyết, quyết định sự triển khai DVCTT của Bộ Y tế có tính đột phá, về đích trước thời gian 5 năm so với lộ trình đề ra ban đầu.
Đặc biệt, việc triển khai theo cách làm mới đã giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí xây dựng. Thay vì xây dựng chi tiết từng phần mềm đơn lẻ, Bộ Y tế đã xây dựng các Modul trong Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử để các đơn vị tự cấu hình các DVCTT mức độ 4 cơ bản.
“Kết quả, chỉ trong khoảng 3 tháng đã cùng các đơn vị hoàn thành xây dựng 147 DVCTT mức độ 4 cơ bản. Trong tương lai, khi có phát sinh thủ tục hành chính mới mà không cần xây dựng chi tiết các đơn vị có thể tự cấu hình trên các modul đã được xây dựng trên Cổng dịch vụ công Bộ Y tế”, đại diện Bộ Y tế thông tin.
Một bài học thành công nữa của Bộ Y tế là sự vào cuộc tích cực, chủ động, có trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ trong việc triển khai DVCTT mức độ 4. Các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ Y tế đã đưa nhiệm vụ triển khai DVCTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian vừa qua của đơn vị và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân.
Vai trò đặc biệt quan trọng của người đứng đầu
Trong phát biểu tại lễ công bố hoàn thành dịch vụ công trực tuyến mức 4 thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ về cách làm mới: Cách làm này quan trọng nhất là người đứng đầu phải quyết tâm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, để ứng dụng CNTT hiệu quả, quan trọng là quyết tâm và cách làm. (Ảnh: M.Quyết) |
Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới, sẽ xem lại mô hình triển khai cung cấp DVCTT mức 4 của hai bộ: Y tế và TT&TT, ở tất cả mọi khía cạnh kể cả về an ninh, an toàn; sau đó thống nhất và nhân rộng mô hình tất cả các bộ, các cơ quan. “Chúng ta sẽ không phải làm dò từng bước nữa. Bởi vì, DVCTT suy cho cùng, tất cả là để minh bạch, để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chúng ta làm theo kiểu mua bán buôn. Cùng một công làm, cái nào có dịch vụ phát sinh thì tự nó sẽ sống. Cái nào dịch vụ phát sinh ít, ít tới mức không cần nữa thì chúng ta sửa văn bản quy phạm pháp luật để bỏ thủ tục hành chính đó đi. Còn cách làm từ trước đến nay là cứ đều đều, cái nào phát sinh nhiều làm trước”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, người đứng đầu có vai trò cực kỳ quan trọng, nhất là trong ứng dụng CNTT: “Người đứng đầu không hô thì bên dưới không làm”.
Khẳng định việc ứng dụng CNTT trong ngành y tế của Việt Nam giống như các nước khác trên thế giới, luôn luôn là một lĩnh vực được ưu tiên, Phó Thủ tướng đã đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế hứa: Chậm nhất ngày 31/12/2020 sẽ bỏ hoàn toàn y bạ, sổ khám sức khỏe giấy; Đến cuối tháng 12/2020, toàn bộ hệ thống thông tin về nguồn lực của ngành y tế phải cơ bản tập hợp xong và công khai cho toàn xã hội giám sát.
Đánh giá cao thành công của Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhận định, cách chúng ta đưa toàn bộ dịch vụ công nhanh chóng lên mức độ 4 giúp tiết kiệm chi phí rất nhiều, nhất là trong bối cảnh kinh phí cho ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử còn khó khăn.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, cung cấp DVCTT mức độ 4, Thứ trưởng đề nghị Bộ Y tế ưu tiên thực hiện một số nội dung, trong đó có việc: Triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung LGSP để kết nối các hệ thống thông tin nội bộ và kết nối với dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương khác thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Đảm bảo Cổng dịch vụ công của Bộ Y tế kết nối đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến của Bộ TT&TT và sẵn sàng kết nối với Hệ thống định danh, xác thực điện tử quốc gia, Hệ thống hỗ trợ thanh toán điện tử toàn quốc và các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần tập trung triển khai hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận sử dụng DVCTT hiệu quả, coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là đối tượng để phục vụ; Chú trọng công tác đảm bảo an toàn thông tin cho các DVCTT cũng như các hệ thống thông tin của Bộ; Tiếp tục phát triển hạ tầng CNTT đầy đủ, đồng bộ trong việc ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử trong thời gian tới.
“Với vai trò, trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về CNTT, Bộ TT&TT sẵn sàng phối hợp với Bộ Y tế trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử và đặc biệt là phát triển Chính phủ số trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định.
M.T