khi áp dụng hóa đơn điện tử, cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ kiểm soát bằng phương tiện điện tử, không bắt buộc DN phải trình hóa đơn giấy.
Quen dần với hóa đơn điện tử
Qua tìm hiểu của phóng viên TBTCVN, hóa đơn điện tử do DN tự phát hành có mã xác thực của cơ quan thuế đã được phép áp dụng từ năm 2014. Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ có đề cập đến quy định về hóa đơn điện tử; tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC cũng đã hướng dẫn về khởi tạo, phát hành, và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Đã có 656 DN áp dụng hóa đơn điện tử
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, đến nay trên cả nước đã có 656 DN thực hiện hoá đơn điện tử, với số lượng hóa đơn điện tử đã sử dụng khoảng gần 278 triệu hoá đơn. Cơ bản các tỉnh, thành trên cả nước đều đã có DN sử dụng hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; các DN sử dụng hóa đơn điện tử thường là những DN lớn, hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển, ít rủi ro.
Từ năm 2014, Bộ Tài chính đã khuyến khích một số DN sử dụng nhiều hóa đơn giấy, đã có hạ tầng công nghệ thông tin, tuân thủ pháp luật thuế để áp dụng hóa đơn điện tử như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) và Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn Hà Nội... Theo đánh giá của các DN, việc áp dụng hóa đơn điện tử đã mang lại kết quả tốt, được khách hàng chấp thuận, tiết kiệm về thời gian, chi phí cho DN.
Chị Nguyễn Thị Phương, nhân viên của VNPT cho biết, nhờ việc áp dụng hóa đơn điện tử, nên DN đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý kinh doanh, hạch toán kế toán nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, chất lượng dịch vụ và tăng khả năng cạnh tranh của DN.
“Việc sử dụng hóa đơn điện tử đã giúp khách hàng thuận tiện trọng thanh toán. Khách hàng có thể truy cập vào website của công ty để xem và tải hóa đơn khi cần. Do đó khách hàng không phải lưu trữ, bảo quản hóa đơn, tránh rủi ro mất hóa đơn và tiết kiệm được chi phí do không phải in ra giấy. Sau một thời gian áp dụng hóa đơn điện tử, hiện nay thói quen sử dụng hóa đơn giấy của khách hàng đã dần thay đổi, khách hàng đã hợp tác hơn với DN sử dụng hóa đơn điện tử. Tôi cho rằng, việc bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ không gây xáo trộn gì đối với DN cũng như người dân”, chị Phương cho biết.
DN không phải xuất trình hóa đơn giấy
Tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo nghị định về hóa đơn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đồng thuận với việc áp dụng hóa đơn điện tử vì những thuận lợi mà nó mang lại. Tuy nhiên, một số ý kiến của DN cũng băn khoăn rằng, trong trường hợp vận chuyển hàng hóa trên đường, cơ quan chức năng kiểm tra thì DN sẽ làm thế nào?
Trả lời thắc mắc này, trao đổi riêng với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định về hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế đã lường trước được tình huống này. Do đó, nội dung dự thảo có đề cập rất rõ, để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN theo tinh thần Nghị quyết 19 của Chính phủ, tất cả các bộ, ngành liên quan cũng phải vào cuộc. Trong trường hợp các cơ quan quản lý Nhà nước muốn xác minh nguồn gốc hàng hóa thông qua hóa đơn mua, bán của DN, có thể truy cập vào trang web riêng, trong đó có cơ sở dữ liệu về hóa đơn. Vì thế, DN không phải lo lắng khi phải chứng minh nguồn gốc hàng hóa trong quá trình vận chuyển.
Đánh giá về tính hiệu quả, cũng như tính khả thi về việc áp dụng hóa đơn điện tử, ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, hiện nay gần 100% DN đang hoạt động khai thuế qua mạng, trong số đó, hơn 95% DN đã nộp thuế bằng phương thức điện tử. Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh hiện nay cũng đã sử dụng máy tính tiền, có kết nối với cơ quan Thuế. Do đó, nếu áp dụng hóa đơn điện tử rộng rãi trên phạm vi cả nước cũng sẽ rất thuận lợi.
“Để thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, Tổng cục Thuế đang đề xuất sửa Luật Quản lý thuế theo hướng tất cả các bộ, ngành có liên quan cũng phải vào cuộc cùng với cơ quan thuế”, ông Nam nói.