Hotline: 0975.176.376 - 0975.73.75.77

THỨ TRƯỞNG NGUYỄN THÀNH HƯNG: PHẢI THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CÁC DOANH NGHIỆP, SẢN PHẨM VÀ NHÂN LỰC AN TOÀN, AN NINH MẠNG

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, cần ưu tiên sử dụng các sản phẩm an toàn thông tin Việt Nam, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển cả về sản phẩm, nhân sự lẫn doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, cần ưu tiên sử dụng các sản phẩm an toàn thông tin Việt Nam, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển cả về sản phẩm, nhân sự lẫn doanh nghiệp.

UBND TP.HCM và Bộ TT&TT phối hợp tổ chức Hội nghị Hợp tác và phát triển sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng tại Việt Nam hôm 30/10. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng khẳng định, trong các dự án đầu tư công nghệ thông tin phải có hạng mục an toàn, an ninh mạng; đồng thời phải thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp, sản phẩm và nhân lực an toàn, an ninh mạng Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thành Hưng. Ảnh: H.Đ

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đánh giá, an toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn để thực hiện thành công chuyển đổi số, tạo ra môi trường an toàn để chính phủ, doanh nghiệp và người dân sử dụng công nghệ số.

Việt Nam mong muốn và phải tạo ra một không gian an toàn, do vậy khuyến khích phát triển các sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp về an toàn thông tin mạng đẳng cấp quốc tế.

Báo cáo của Gartner cho thấy, mức chi tiêu cho bảo đảm an toàn thông tin của thế giới năm 2018 khoảng 114 tỷ USD, trong khi đó, đánh giá ước lượng, tổng doanh thu thị trường an toàn thông tin năm 2018 tại Việt Nam chỉ khoảng 1.200 tỷ đồng (khoảng 52 triệu USD) và chỉ tương đương 0,04% thị trường thế giới.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, giá trị thị trường an toàn, an ninh mạng của Việt Nam còn rất nhỏ, qua đó cũng thể hiện mức độ quan tâm, đầu tư trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng của tổ chức, doanh nghiệp cũng như sự phát triển của doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng. Vấn đề này cần sự quan tâm vào cuộc của tất cả các cơ quan, tổ chức, nhất là các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng và chủ quản của các hệ thống thông tin. Phải đảm bảo an toàn mạng cho các cơ quan của Chính phủ và các hạ tầng trọng yếu quốc gia; mỗi cơ quan này phải có ít nhất một tổ chức hoặc một doanh nghiệp đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Sản phẩm ATTT Việt có dấu hiệu tích cực, nhưng quy mô vẫn còn nhỏ

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 7/6 đưa ra các chỉ đạo nhằm khuyến khích, hỗ trợ và đẩy mạnh phát triển thị trường an toàn, an ninh mạng nội địa.

Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), dẫn Chỉ thị số 14 của Thủ tướng cho biết, ưu tiên sử dụng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp trong nước đáp ứng yêu cầu về an toàn thông tin mạng và các quy định của nhà nước đối với các hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên.

Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), đang phát biểu về tình hình doanh nghiệp ATTT.

Chỉ thị cũng yêu cầu cơ quan nhà nước, các tập đoàn, các tổng công ty, ngân hàng nhà nước, các tổ chức tài chính... phải chi tối thiểu 10% cho an toàn thông tin so với tổng chi phí cho công nghệ thông tin trong kế hoạch 6 tháng, kế hoạch 5 năm, và đối với từng dự án.

Chỉ thị cũng yêu cầu Bộ TT&TT công bố các sản phẩm và giải pháp đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin mạng. Hiện nay danh mục này đã được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT.

Ông Đỗ Công Anh cho biết, Bộ TT&TT đã cấp phép 80 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin. Trong đó có 57 doanh nghiệp cấp phép nhập khẩu sản phẩm, 13 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm về an toàn thông tin. Trong 13 doanh nghiệp này có 8 doanh nghiệp đã có sản phẩm thương mại hóa.

Tổng sản phẩm an ninh an toàn nội địa cho đến nay là 25 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm là phòng chống mã độc. Ông Đỗ Công Anh cho rằng đây là những dấu hiệu tích cực ban đầu của thị trường. Dù vậy như đã đề cập, doanh thu mảng an toàn thông tin Việt Nam năm 2018 ước lượng 1.200 tỷ đồng là quá nhỏ, chỉ khoảng 0,04% doanh thu toàn cầu.

Tại Việt Nam, tổng doanh thu của 5 doanh nghiệp lớn nhất chiếm 78% thị trường. Trong 5 doanh nghiệp này có 3 doanh nghiệp có doanh thu lớn từ các hoạt động nhập khẩu sản phẩm. Ngoài ra, 8 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam đều có quy mô phân bố rất nhỏ, không đồng đều so với thế giới.

Ông Đỗ Công Anh cho biết, tồn tại hiện nay của ngành an toàn thông tin là các chủ đầu tư, các cơ quan nhà nước đều muốn kinh doanh thiết bị hơn và chỉ quan tâm thiết bị. Ngoài ra, bản thân các công ty cung cấp dịch vụ cũng vẫn quan tâm tới thiết bị. Có lẽ do mảng thiết bị dễ kinh doanh hơn dịch vụ, ông Đỗ Công Anh nêu ý kiến.