Tham dự hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, tại cuộc gặp các tập đoàn thành viên WEF trong lĩnh vực CNTT cũng như tại phiên thảo luận “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều khẳng định, Việt Nam muốn bắt kịp làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 (Nguồn ảnh: Chinhphu.vn)
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0 - Industry 4.0) và những ảnh hưởng tác động cũng như các giải pháp để tận dụng được cơ hội từ cuộc cách mạng này là vấn đề được các cấp lãnh đạo, các chuyên gia ngành CNTT dành nhiều sự quan tâm thời gian gần đây.
Phát biểu tại phiên thảo luận “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực” ngày 19/1/2017, trong khuôn khổ hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi cơ bản phương thức tạo ra của cải vật chất và vì thế cũng sẽ thay đổi cả tương lai của nhân loại. Trong bối cảnh đó, tôi cho rằng những nước đang phát triển đi sau, nếu biết tranh thủ cơ hội và có chiến lược phát triển đúng đắn, có thể phát triển nhanh, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia đi trước”.
Cũng trong bài phát biểu này, Thủ tướng đã cho biết, Việt Nam sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực, khoa học-công nghệ, bắt kịp làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ.
Tại Nghị quyết 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương chủ động nghiên cứu về CMCN 4.0, tác động đến kinh tế nước ta và đề xuất cơ chế, chính sách tận dụng tối đa cơ hội của cuộc cách mạng này.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra ngày 3/4/2017, các thành viên Chính phủ đã bàn đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Nguồn ảnh: Chinhphu.vn)
Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa cho hay, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017 diễn ra ngày 3/4, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ KH&CN và đại diện nhóm chuyên gia Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) trình bày báo cáo chuyên đề về cuộc CMCN 4.0.
Các ý kiến chuyên gia đã nêu ra một số giải pháp về việc cần làm gì để Việt Nam không lỡ “con tàu CMCN 4.0”. Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số, quản trị thông minh (thể chế hiện đại, chính quyền hiện đại), xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, tạo nguồn nhân lực số, xây dựng công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; xây dựng đô thị thông minh. Đại diện FPT cho rằng “cần quyết tâm và khát vọng”, còn theo đại diện Tập đoàn Viettel thì cần “một cách tiếp cận độc đáo khác biệt và khả thi”.
Cũng theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, muốn tận dụng được CMCN 4.0 thì đầu tiên phải có hành động mang tính đột phá về CNTT. Vấn đề này đã được đề cập tại nhiều văn bản, chính sách nhưng “hành động còn ở mức độ”.
Cho rằng nên chọn một số việc cụ thể để triển khai, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra, trong lĩnh vực CNTT thì trước hết phải phát triển hạ tầng băng rộng với tinh thần như phủ 2G hồi trước, là tới mọi ngõ ngách của đất nước. Phó Thủ tướng cũng cho rằng cần đẩy mạnh dịch vụ công qua mạng, phát triển nguồn nhân lực CNTT hay tìm ra một số doanh nghiệp chủ lực, không kể Nhà nước, tư nhân, hay liên doanh để đặt các bài toán cụ thể về vấn đề này.
Sau khi nghe các ý kiến, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, có hình thức phù hợp như xây dựng nghị quyết hay chỉ thị về vấn đề này để có chỉ đạo chung trong triển khai.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải tận dụng cơ hội, có giải pháp hạn chế thách thức của CMCN 4.0. Các cấp, các ngành, trước hết là Bộ KH&CN, Bộ TT&TT, các cơ quan báo chí, bản thân các tập đoàn, tổng công ty phải làm tốt công tác truyền thông, tăng cường nhận thức về CMCN 4.0, “để toàn xã hội, từng người dân, mọi doanh nghiệp, mọi cơ quan, các tổ chức đều hiểu về thời cơ, thách thức của CMCN 4.0”.
Từ nhận thức đó, có cách ứng xử, có định hướng, tư duy phát triển phù hợp. “Cần phải nói cho mọi người biết rằng CMCN 4.0 không phải là việc của riêng Chính phủ, của các viện nghiên cứu mà đây là việc của toàn xã hội, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, kể cả chính trị, kinh tế, văn hóa, lao động, giáo dục, quốc phòng an ninh”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị các viện nghiên cứu, trước hết là 2 Viện Hàn lâm (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), các chuyên gia, nhà khoa học, mọi doanh nghiệp và người dân cùng chung tay tận dụng cơ hội của CMCN 4.0 để đổi mới sáng tạo, có nhiều tư duy mới, sáng tạo mới để đưa đất nước có bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng yêu cầu Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cần có nhận thức toàn diện, chủ động, tận dụng các cơ hội của CMCN 4.0, kịp thời đưa ra các cơ chế chính sách liên quan một cách đồng bộ, xuyên suốt và mang tính liên ngành trong chính sách tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Thường xuyên nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những chính sách, thể chế cần thay đổi, bổ sung để tận dụng được cơ hội của CMCN 4.0.
Cho rằng nòng cốt của CMCN 4.0 là CNTT, Thủ tướng giao Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy ưu thế của CNTT, tạo thuận lợi cho phát triển CMCN 4.0.
Trước sự có mặt của lãnh đạo các tập đoàn Viettel, FPT tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị “các đồng chí đi đầu trong tận dụng cơ hội của CMCN 4.0 để phát triển đất nước”.
Đối với các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, Thủ tướng chỉ đạo cần tập trung triển khai các nhiệm vụ với tinh thần quyết liệt, chủ động như đánh giá hiện trạng, rà soát, lồng ghép các nội dung triển khai liên quan đến CMCN 4.0 trong chiến lược phát triển của bộ, ngành mình.
“Tôi lấy ví dụ, về hạ tầng thông tin, tức là Bộ TT&TT, phải làm gì để CNTT Việt Nam, lĩnh vực nòng cốt của CMCN 4.0 phát triển mạnh mẽ hơn, tạo tiền đề quan trọng cho các lĩnh vực khác bứt phá, vươn lên”, Thủ tướng nói.
Về đào tạo nhân lực, Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH phải làm gì để có đội ngũ chuyên gia giỏi, đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0. Bộ Y tế cần làm gì để phát triển công nghệ sinh học, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, làm sao để chủ động về dược phẩm, trang thiết bị.
Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng phải nhận thức rõ, tập trung hơn vào việc này, “tránh tình trạng chỗ nào cũng nói CMCN 4.0 nhưng hỏi làm gì cho bản thân bộ mình, ngành mình thì không ai biết rõ ràng”.
Trong quá trình thực hiện CMCN 4.0, Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế cùng phát triển, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thủ tướng giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, đơn vị liên quan theo dõi tình hình triển khai, hằng năm xây dựng báo cáo kết quả thực hiện, kể cả việc đôn đốc, phát hiện thể chế, tham mưu, đề xuất để đưa CMCN 4.0 mạnh mẽ, quyết liệt vào Việt Nam.