Bệnh viện Chợ Rẫy đã ứng dụng công nghệ Telehealth phục tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, cho phép kết nối với hơn 300 điểm cầu cùng lúc. |
Những nhiệm vụ lớn của bệnh viện trăm tuổi
Vào năm 1900, Bệnh viện Chợ Rẫy được xây dựng và thành lập với tên là Hôpital Municipal de ChoLon tại Sài Gòn. Tháng 2/2010, Bệnh viện Chợ Rẫy được xếp hạng đặc biệt, dấu mốc quan trọng đánh dấu quá trình xây dựng bệnh viện “chất lượng - văn minh - hiện đại”. Đến nay, đây là bệnh viện tuyến cuối kỹ thuật của 37 tỉnh, thành phía Nam.
Sự nhạy bén của lãnh đạo, các bác sĩ khi liên tục trau dồi và tiếp thu tri thức mới trong lĩnh vực y khoa khiến tên tuổi của Bệnh viện Chợ Rẫy được nhắc đến trong những kỹ thuật mới, những ca bệnh khó nhất ở Việt Nam.
Không chỉ đảm nhận nhiệm vụ khám chữa bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy còn là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và tổ chức các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ. Ngoài ra, các bác sĩ tại đây còn thường xuyên hợp tác với các bệnh viện, chuyên gia của thế giới để xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao. Đồng thời, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại phục vụ việc khám chữa bệnh của Chợ Rẫy thường xuyên được bổ sung, cập nhật.
Sau quá trình xây dựng và phát triển lâu dài, bệnh viện thể hiện rõ thế mạnh, uy tín, tầm ảnh hưởng của mình đối với ngành y tế ở Việt Nam. Hiện nay, mỗi ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy khám và điều trị khoảng 10.000 lượt bệnh nhân nội, ngoại trú. 6 tháng đầu năm, hơn 26.500 bệnh nhân từ các tỉnh, thành chuyển đến khoa Cấp cứu của bệnh viện.
Tuy nhiên, đầu năm nay, khi tiếp nhận các bệnh nhân Trung Quốc nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên ở Việt Nam, rồi đặc biệt đến ca bệnh số 91 – tiên lượng tử vong cao, bệnh viện này đã chịu những áp lực rất lớn.
Đối với các bệnh nhân nặng, thời gian là vàng. Dù luôn sẵn sàng giúp đỡ các bệnh viện tuyến dưới trong các ca bệnh khó, nhưng bác sĩ Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cũng thừa nhận rằng nhân lực có hạn, không thể chi viện mọi lúc mọi nơi. Thậm chí, với những bài toán khó giải như ca bệnh số 91 mắc SARS-CoV-2 thì các bác sĩ ở đây cũng khó khăn. Bài toán này đã được giải quyết như thế nào?
Sức mạnh của bệnh viện hạng đặc biệt sở hữu Telehealth
Ở tuổi 120, Bệnh viện Chợ Rẫy vừa khai trương Trung tâm Hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, sử dụng công nghệ Telehealth, cho phép kết nối với hơn 300 điểm cầu là các bệnh viện, cơ sở y tế. Một bệnh nhân ở Côn Đảo đã được các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn ngay trong buổi đầu tiên.
Đây là thành quả của sự phối hợp giữa Bệnh viện Chợ Rẫy và Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Thành viên Tập đoàn Viettel). Với công nghệ truyền dẫn hình ảnh hiện đại, hệ thống Telehealth là một trong những giải pháp tối ưu, giúp các bác sĩ có thể hội chẩn và đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Trên thực tế, trước khi khai trương Trung tâm này, bệnh viện đã sử dụng Telehealth cho nhiều ca hội chẩn quan trọng trong dịch Covid-19, đặc biệt là với việc điều trị cho ca bệnh số 91. Nhờ hội chẩn liên tục với nhiều bác sĩ chuyên khoa giỏi ở khắp cả nước, việc điều trị cho ca bệnh 91 – tiên lượng tử vong cao đã thành công.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức chia sẻ: “Mấu chốt làm nên sự thành công của ca 91 là nhờ huy động được toàn bộ trí tuệ tập thể của quốc gia, của toàn ngành y tế tập trung cho việc điều trị bệnh nhân. Để làm được điều này có sự trợ giúp rất lớn từ nền tảng Telehealth”.
Người đứng đầu bệnh viện bổ sung thêm: “Trước đây, Bệnh viện Chợ Rẫy thường xuyên kích hoạt các chương trình báo động đỏ và quy trình vàng nhằm hỗ trợ các cơ sở y tế địa phương hội chẩn từ xa. Tuy nhiên, trang thiết bị lúc đó chưa đáp ứng được các hình ảnh cận lâm sàng (phim CT Scan, X-quang, MRI). Do đó, việc hội chẩn chủ yếu là trao đổi kinh nghiệm điều trị. Nhờ hệ thống Telehealth, hình ảnh cận lâm sàng được số hóa lên hệ thống và hiển thị rõ nét, với thế mạnh của mình, chúng tôi có thể phát huy tốt thế mạnh và năng lực để hỗ trợ tuyến dưới”.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Hệ thống Telehealth giúp các bác sĩ Chợ Rẫy tiếp cận nhanh với bệnh nhân, điều trị kịp thời mà không cần chuyển viện. Hình thức này còn góp phần xóa nhòa khoảng cách vùng miền, tạo ra mạng lưới y tế không giới hạn giữa các tuyến.
Với 300 tuyến y tế cơ sở địa phương được kết nối, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy mong muốn trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống Telehealth, góp phần hỗ trợ tốt hơn cho đơn vị bạn và người bệnh. Đặc biệt, điều này mang ý nghĩa rất lớn đối với các cơ sở y tế ở biển đảo, vùng sâu vùng xa.
“Chúng tôi hiểu rằng đứng trước cuộc thập tử nhất sinh của người bệnh trong tay không có vũ khí, người thầy thuốc thật sự rất đau xót. Do đó, với mong muốn hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy hi vọng thông qua Telehealth có thể hỗ trợ tối đa, chia sẻ khó khăn này với tuyến dưới”, Giám đốc bệnh viện nói.
Ngoài nâng cao năng lực nhiệm vụ khám chữa bệnh, thông qua hệ thống này, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy sẵn sàng thể hiện và phát huy khả năng ở nhiều vai trò hơn. Đó là, đào tạo bác sĩ tuyến dưới, kết nối với chuyên gia y tế thế giới để cập nhật kiến thức, phác đồ điều trị hiện đại nhất.
Khi mắt xích quan trọng trong hệ thống ngày càng mạnh, nó không chỉ thúc đẩy, nâng cao chất lượng của chính mình mà sẽ tạo ra ảnh hưởng và sự phát triển vượt bậc của Telehealth.
TK