Hotline: 0975.176.376 - 0975.73.75.77

HƠN 66% CƠ SỞ BÁN LẺ THUỐC TRONG CẢ NƯỚC ĐÃ KẾT NỐI VỚI CƠ SỞ DỮ LIỆU DƯỢC QUỐC GIA

ictnews Theo thống kê, đến nay số cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc, quầy thuốc và tủ thuốc) đã kết nối, liên thông với hệ thống Cơ sở dữ liệu (CSDL) dược quốc gia là khoảng 41.000 cơ sở, chiếm hơn 66% tổng số cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc.

ictnews Theo thống kê, đến nay số cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc, quầy thuốc và tủ thuốc) đã kết nối, liên thông với hệ thống Cơ sở dữ liệu (CSDL) dược quốc gia là khoảng 41.000 cơ sở, chiếm hơn 66% tổng số cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc.

Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế dự kiến hoàn thành kết nối, liên thông các nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trên phạm vi cả nước với hệ thống "Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia" trong năm nay.

Vào trung tuần tháng 8/2019, Bộ Y tế đã chính thức khai trương hệ thống CNTT quản lý chuỗi cung ứng thuốc toàn quốc, phát lệnh kết nối mạng các nhà thuốc trong cả nước. Hệ thống cung ứng và phân phối thuốc của Việt Nam đã phát triển rộng khắp đáp ứng yêu cầu cung cấp thuốc cho nhân dân. Thống kê của Cục quản lý Dược – Bộ Y tế cho hay, hệ thống dược Việt Nam đang quản lý khoảng 61.900 cơ sở bán lẻ thuốc với 19.100 nhà thuốc, 39.000 quầy thuốc và 3.800 tủ thuốc.

Tại thời điểm đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ rõ,xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân và triển khai kết nối hệ thống CNTT quản lý toàn bộ các nhà thuốc trong cả nước là 2 việc thuộc diện những việc cần làm ngay của ngành y tế, liên quan đến số đông người dân Việt Nam. Bộ Y tế cần sớm đưa vào triển khai hệ thống trên toàn quốc để phục vụ người dân một cách tốt nhất.

Trong trao đổi tại sự kiện khai trương Cổng dịch vụ công Bộ Y tế mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), ngành y tế đã ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của cách mạng 4.0 trong các hoạt động của ngành, hướng tới xây dựng các mô hình theo dõi sức khỏe, phòng bệnh thông minh; bệnh viện thông minh; và quản trị y tế thông minh.

Ngay trước đó, vào ngày 12/11/2019, Bộ Y tế đã phê duyệt kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Theo đó, mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, với tối thiểu 80% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử, hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Sở Y tế và Trung tâm dữ liệu y tế quốc gia. Và đến năm 2025, 95% người dân trên toàn quốc có hồ sơ sức khỏe điện tử, được cập nhật thông tin sức khỏe thường xuyên và được kết nối với tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.

Đối với việc kết nối liên thông các cơ sở bán thuốc với hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia”, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, sẽ tiến tới kết nối mạng tất cả các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc. Tính từ thời điểm phát lệnh kết nối mạng các nhà thuốc (tháng 8/2019) đến nay, theo thống kê của Bộ Y tế, số cơ sở bán lẻ thuốc gồm các nhà thuốc, quầy thuốc và tủ thuốc đã kết nối, liên thông với hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia” là khoảng 41.000 cơ sở, chiếm hơn 66% tổng số cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc.

Theo Bộ Y tế, việc kết nối, liên thông các nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trên toàn quốc với hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia” sẽ khắc phục được những tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng thuốc hiện nay. Kết nối hệ thống các cơ sở bán lẻ thuốc trong cả nước, cơ quan quản lý ngành y tế, ngành dược sẽ có thêm dữ liệu để quản lý, các nhà thuốc sẽ có thêm công cụ hỗ trợ hoạt động kinh doanh và lợi nhất chính là người dân. Người dân sẽ được cung cấp các tiện ích như: tìm kiếm, mua thuốc, cảnh báo thuốc kém chất lượng, hạn sử dụng hay so sánh giá của các nhà thuốc.

Được biết, để đảm bảo việc kết nối giữa các cơ sở sử dụng phần mềm của các nhà cung cấp khác nhau, cuối năm 2018, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã có hướng dẫn tạm thời việc triển khai kết nối liên thông dữ liệu. Theo hướng dẫn, thiết lập kênh kết nối an toàn giữa hệ thống quản lý phần mềm tập trung của các nhà cung cấp phần mềm tới hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia”. Mỗi nhà cung cấp phần mềm quản lý nhà thuốc được đăng ký và sử dụng 1 tài khoản cho các cơ sở sử dụng phần mềm của nhà cung cấp đó.

Các đơn vị cung cấp phần mềm, cơ sở sử dụng phần mềm cũng được yêu cầu phải đảm bảo đạt chuẩn yêu cầu dữ liệu đầu ra theo Quyết định 540 ngày 20/8/2018 và chuẩn kết nối dữ liệu theo Quyết định 777 ngày 27/11/2018 của Bộ Y tế. Thống kê của Cục Quản lý Dược cho hay, tính đến ngày 18/10/2019, danh sách các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối và chuyển dữ liệu thành công vào hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia” đã là 50 đơn vị.

Cũng trong năm 2018, Bộ Y tế, trực tiếp là Cục Quản lý Dược phối hợp cùng Viettel xây dựng hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia”, hướng đến mục tiêu xóa bỏ giấy tờ, quản lý được toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc toàn quốc, đảm bảo chất lượng và giá cả chính xác của từng viên thuốc khi tới tay người dân.

Hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia” bao gồm dashboard theo dõi kết quả liên thông dữ liệu; quản lý kho quốc gia; quản lý hoạt động nhập xuất, kinh doanh của từng nhà thuốc; truy xuất nguồn gốc và hoạt động nhập, xuất, tồn, bán hàng của từng thuốc, từng lô; quản lý hóa đơn; qản lý đơn thuốc; kiểm tra được hạn sử dụng, cảnh báo thuốc sắp hết hạn; public được API cho liên thông dữ liệu; chuẩn hóa danh mục 52.000 loại thuốc, danh mục do cơ sở tự nhập lên với 3.700 loại thuốc.