Cho đến khi Thừa Thiên Huế có thành công bước đầu với dự án đô thị thông minh và được quốc tế công nhận thì nhiều người phát hiện là một tỉnh không cần giàu vẫn có thể làm được thành phố thông minh. Theo ông, điều gì đã thay đổi dẫn tới điều đó?
Ngày xưa, thành phố thông minh là cái gì đó hơi trừu tượng. Nói đến đô thị thông minh, người ta sẽ hình dung đến một nơi rất giàu có, hiện đại sẵn thì mới làm được, còn Việt Nam thì phải rất lâu mới có thể tiếp cận chứ chưa nói có thể triển khai thành công tại chính thành phố của mình.
Nhưng sau một quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy khái niệm thành phố thông minh rất là rộng. Quan trọng nhất là cách tiếp cận. Nếu chúng ta tiếp cận kiểu bê một mô hình của nước ngoài về thì rất khó khi triển khai ở một thành phố nào đó chứ chưa nói đến toàn quốc.
Thay vì việc bê nguyên hoặc sao chép mô hình, Viettel tiếp cận thành phố thông minh từ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, chính quyền. Chúng tôi nhìn vào những cái gì nóng nhất, chính đáng, bức xúc nhất trong xã hội để cố gắng đưa giải pháp công nghệ vào, để thông minh hoá, tự động hoá, giúp cải thiện các vấn đề đó.
Nếu chúng ta tập trung giải quyết các nhu cầu đó bằng giải pháp công nghệ thì chính quyền, người dân, doanh nghiệp đều nhìn thấy hiệu quả và có thể làm được.
Khi tiếp cận và tìm cơ hội triển khai các dự án thành phố thông minh ở các tỉnh, Viettel lựa chọn ra sao để dự án có cơ hội thành công?
Thực tế là không phải cứ có công nghệ, cách làm hay là đưa vào nơi nào cũng thành công. Trước tiên, chúng tôi phải chọn ra địa phương nào có người đứng đầu, có bộ máy lãnh đạo tâm huyết và am hiểu nhất để triển khai thành phố thông minh.
Khi đã chọn được địa phương như vậy và triển khai thành công bước đầu, và từ chính quyền đến người dân ở đó có những thay đổi tích cực sẽ tạo niềm tin cho các tỉnh, thành phố khác nhìn vào. Họ sẽ thấy rằng theo cách này thì cũng thực hiện được chứ không khó.
Trên thế giới việc xây dựng chính quyền điện tử có tỷ lệ thành công không cao ở cả nước phát triển và đang phát triển. Khi nhìn vào thực tế đó, Viettel thấy cơ hội gì?
Một trong những yếu tố tạo nên thành công của Viettel trước đây là nghĩ khác, làm khác để tìm cách tiếp cận mới. Nếu như áp dụng cách thức triển khai cũ, nhìn vào bức tranh cũ thì sẽ thấy viễn cảnh thất bại của thành phố thông minh. Viettel lại làm giống họ thì khó, đặc biệt còn đi sau nữa.
Vì thế, Viettel không đi theo con đường cũ mà tạo ra giải pháp may đo cho từng khách hàng của mình, để phù hợp nhất với địa phương mà chúng tôi triển khai. Thành phố du lịch thì nóng nhất là quản lý được du lịch tốt cho khách quốc tế và trong nước, làm sao có mô hình du lịch xanh sạch đẹp; còn có những thành phố liên quan đến đại đô thị đang xây dựng như Hà Nội, TPHCM thì vấn đề nóng nhất là giao thông, tương tác giữa người dân và chính quyền…
Với cách làm như vậy, bản chất chúng tôi phải lắng nghe chính quyền và người dân mong muốn cái gì nhất để tìm giải pháp công nghệ cho vấn đề đó. Với cách tiếp cận này thì chi phí liên quan đến đầu tư, triển khai cũng trong khả năng của chính quyền.
Thực tế là khi làm thành phố thông minh, người ta thường bị ám ảnh bởi những khoản kinh phí khổng lồ như trăm tỷ, nghìn tỷ nhưng Viettel đã thực hiện thành công dự án ở Thừa Thiên Huế với khoản đầu tư thấp hơn rất nhiều. Điều gì đã diễn ra ở đó
Khi đặt vấn đề lớn là giải quyết tất cả nhu cầu của một thành phố thì bài toán đó thực sự đồ sộ. Để thống nhất với nhau về bài toán đó sẽ mất rất nhiều thời gian. Điều này có thể mất hàng năm, có khi hơn và bây giờ nhiều người vẫn đang hội thảo, chuẩn hóa cái đó.
Chúng tôi nghĩ điều này vẫn cần như một tầm nhìn 5 - 10 năm sau để hướng tới, nhưng để thực hiện cái đó thì tiềm lực của các địa phương chưa làm được. Nếu cứ đợi thì Việt Nam sẽ tụt hậu và sẽ chẳng có chuyển đổi số hay Chính phủ điện tử đâu.
Cách của Viettel là "liệu cơm gắp mắm", "mắm" ở đây là những nhu cầu thiết thực nhất của chính quyền, doanh nghiệp, người dân. Cái gì nóng nhất thì chọn ra làm, từ quyết tâm của người đứng đầu thành phố. Khi một việc lớn được bổ ra thành một trăm việc nhỏ thì giải quyết một việc nhỏ là trong tầm tay.
Khi việc nhỏ thành công, tạo ra hiệu ứng tích cực sẽ giúp tận dụng sức mạnh người dân cùng tham gia. Cái đó là rất quan trọng. Nếu chỉ dựa vào ngân sách của chính quyền thì nhiều địa phương chưa có điều kiện đầu tư và rất khó làm.
Đầu tư cho thành phố thông minh mà lại dựa vào sức mạnh của người dân là như thế nào?
Ví dụ như tại Thừa Thiên Huế chẳng hạn. Khi đầu tư vào hệ thống camera thông minh để giám sát, nếu tỉnh phải đầu tư cho tất cả các vị trí trên một địa bàn thì phải bỏ ra một khoản chi phí rất khổng lồ. Cách tiếp cận của Viettel là bên cạnh các điểm quan trọng cần triển khai camera thông minh, chúng ta phát huy sức mạnh của cộng đồng: mỗi người dân là một camera thông minh, bằng cách triển khai app để họ thấy vấn đề gì là chụp ảnh, quay clip, gửi lên.
Những chiếc smartphone mà người dân cầm trong tay chính là các camera thông minh một cách tự nhiên, họ đã chọn lọc sẵn các thông tin, hình ảnh cần phản ánh rồi và gửi các bức xúc đó cho chính quyền.
Viettel cũng kết hợp với chính quyền phát triển tiếp các hệ sinh thái dịch vụ công khác để người dân thấy được các tiện ích thực sự thì sau này thậm chí còn có thể thu phí và tạo ra những mô hình kinh doanh mới.
Khi thực hiện các dự án về chính phủ điện tử, thành phố thông minh, vấn đề lớn nhất mà Viettel gặp phải là gì?
Vấn đề lớn nhất giai đoạn này là quyết tâm của người đứng đầu. Bây giờ, từ trung đến địa phương đâu đâu cũng nói về cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số, ai ai cũng nói về đô thị thông minh. Đây là cơ hội tốt bởi mọi người đều hiểu là cần phải làm.
Thế nhưng, người đứng đầu quyết tâm là một chuyện nhưng phải là quyết tâm làm để tạo ra thay đổi cho địa phương, cho tổ chức của mình chứ không làm theo phong trào. Một số đơn vị làm phong trào thì rất khó khăn cho các nhà cung cấp giải pháp.
Bởi thực ra, công nghệ chỉ là hệ thống vô tri vô giác, nếu không có quy trình thông minh, không có các thành phần tham gia hoạt động tích cực thì đi vào cuộc sống sẽ không có hiệu quả. Chỉ là cái khai trương ban đầu hoành tráng, một thời gian sau quay lại không có ai dùng thì dự án không thể thành công được.
Như ở Huế thì Viettel có thuận lợi là chính quyền đã sẵn sàng với quy trình thông minh và sự tham gia tích cực. Vậy còn các địa phương khác khi chưa có đủ các điều kiện đó thì sao?
Trước đây, khi làm chính phủ điện tử thì người ta thường nghĩ đến việc dùng giải pháp CNTT mô phỏng theo thực tế. Cái này là số hóa quy trình hiện tại. Với chuyển đổi số hiện nay thì không phải như vậy. Việc đầu tiên phải là tạo cho người tham gia các quy trình ấy thay đổi tư duy: làm thế nào để việc mình đang làm đơn giản hơn, nhanh hơn và áp dụng được công nghệ vào để làm điều đó.
Ở đây, chúng tôi đưa ra các tư vấn cho các địa phương để làm sao tạo ra các quy trình giúp người dân tham gia dễ dàng nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất. Còn về phía chính quyền, họ quản lý được các nhu cầu và giải quyết được các nhu cầu của người dân online.
Chúng tôi có thuận lợi là đơn vị đầu tiên có thành công bước đầu với đô thị thông minh cùng cách làm mới, và chỉ với ngân sách không lớn. Nhờ vậy, Viettel cũng có những bài học kinh nghiệm về sự quyết tâm của chính quyền, về các quy trình thông minh, sự tham gia của người dân...
Những bài học đó là hành trang để chúng tôi tư vấn cho các tỉnh khác. Cái khó là đơn vị đầu tiên là vừa làm, vừa cải tiến vừa mò mẫm, còn đơn vị thứ hai thì sẽ thuận lợi hơn.
Trong việc xây dựng mô hình thành phố thông minh thành công, một nhân tố quan trọng là xây dựng văn hóa số của người dân, doanh nghiệp, chính quyền khi cung cấp các dịch vụ công. Viettel đã làm thế nào để đóng góp vào việc xây dựng văn hóa số ở các địa phương khi mà điều này không chỉ phụ thuộc vào nhà cung cấp giải pháp?
Một trong những tiêu chí để đo sự thành công của một địa phương, bộ ngành về chính phủ điện tử đến mức nào là sự tham gia của người dân vào hệ thống dịch vụ công. Có địa phương nói là mình rất tốt về dịch vụ công trực tuyến với hàng trăm, hàng nghìn dịch vụ nhưng người dân không sử dụng thì bản chất chính quyền điện tử ở địa phương đó chưa thành công.
Thực tế, sự thay đổi ở dây sẽ không diễn ra ngay trong một ngày mà lãnh đạo địa phương, ban ngành, hay các thành phần tham gia dịch vụ công trực tuyến và người dân sẽ thay đổi nhận thức dần dần. Điều này xuất phát từ các dịch vụ công trực tuyến nhỏ nhất nhưng mang lại hiệu quả, nhìn thấy ngay được. Nó sẽ tạo ra niềm tin. Niềm tin tăng lên thì chắc chắn là chính quyền bị tăng áp lực nhiều hơn và người dân lan tỏa các dịch vụ đó cho nhau.
Như ở Huế, tôi mới tiếp một anh Phó Chủ tịch. Anh ấy nói: "Bây giờ khi người dân tin thì họ tạo áp lực cho chính quyền. Họ đặt câu hỏi: Tại sao một số ngành lĩnh vực chưa cung cấp dịch vụ công trực tuyến? Tại sao các yêu cầu này của tôi xử lý chậm thế?...". Áp lực từ những câu hỏi đó sẽ khiến các dịch vụ công của chính quyền chưa được thông minh hóa, chưa được số hóa sẽ trở thành bài toán cần phải giải quyết.
Ở đây, tôi xin nhắc lại một lần nữa: Quan trọng là nhìn thấy hiệu quả từ những việc nhỏ nhất, từ đó sẽ tạo ra lòng tin.
Nếu tổng kết 3 yếu tố giúp một dự án Chính phủ điện tử thành công thì ông sẽ đề cập đến các yếu tố nào?
Yếu tố đầu tiên là sự quyết tâm của tổ chức đó, đặc biệt là người đứng đầu. Họ cần quyết tâm và hiểu những gì mình cần. Không có yếu tố này thì các yếu tố khác cũng không tác dụng. Thứ hai là cách làm. Như tôi nói ở trên, cần có cách tiếp cận khác khi xây dựng chính phủ điện tử hay thành phố thông minh ở Việt Nam. Nếu cứ áp dụng bài bản kiểu cũ sẽ rất khó thành công. Thứ ba mới là giải pháp công nghệ tốt.
Thực tế là công nghệ không phải chiếm tỷ lệ quá bán trong thành công của việc xây dựng Chính phủ điện tử nhưng đóng vai trò rất quan trọng vì nó là công cụ hiện thức hóa mọi thứ. Hiện nay, Viettel đã đón đầu với giải pháp công nghệ mới nhất của thế giới để triển khai các dự án ở Việt Nam.
Hiện nay, ở nhiều địa phương, một dự án về chính phủ điện tử sẽ có nhiều nhà cung cấp giải pháp và mỗi nhà cung cấp lại sử dụng một công nghệ khác nhau. Điều này dẫn tới việc tích hợp toàn bộ dự án thành một hệ sinh thái gặp khó khăn. Viettel đã giải quyết vấn đề này như thế nào?
Điều này phụ thuộc vào một số yếu tố, đầu tiên là chúng tôi, sau đó là Chính phủ mà ở đây đại diện là Bộ Thông tin và Truyền thông. Trước đây thì ai mạnh cái gì phát triển cái đấy, một dự án lớn ở địa phương có nhiều nhà cung cấp, và gặp vấn đề về tích hợp lại ra sao.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng nhiều khung kiến trúc về Chính phủ điện tử, chuẩn hóa nó, để từ nay trở đi, các mảnh ghép của một hệ sinh thái chính phủ điện tử sẽ có tiếng nói chung. Còn dữ liệu sẽ được trao đổi bằng trục tích hợp liên thông cho các hệ thống khác nhau. Đó là giải quyết các vấn đề liên quan đến kỹ thuật.
Về phía Viettel, ngoài việc tuân thủ các khung kiến trúc được chuẩn hóa thì chúng tôi cũng chuẩn hóa lại các giải pháp của mình để tạo ra một platform cho phép các nhà cung cấp dịch vụ khác tích hợp vào được, tạo thành một hệ sinh thái có tiếng nói chung.
Nếu không xảy ra dịch cúm Covid-19, Viettel đã đem giải pháp thành phố thông minh ở Thừa Thiên Huế tới Hội nghị di động thế giới 2020 (MWC 2020 đã bị hủy vì dịch cúm). Giải pháp này có gì đặc biệt so với thế giới mà Viettel dự kiến mang đến MWC 2020?
Các giải pháp đô thị thông minh trên thế giới có rất nhiều. Còn cái Viettel muốn giới thiệu đầu tiên về giải pháp này là thành phố Huế đã thay đổi thế nào sau khi áp dụng. Trong một khoảng thời gian như thế này, với khoản đầu tư như thế này và thay đổi thực tế như thế này…. Ai cũng có thể thấy. Thứ hai là giải pháp của Viettel được áp dụng, tạo ra hiệu quả giống, thậm chí là hơn so với các giải pháp của các tập đoàn quốc tế, phải mua rất nhiều tiền.
Thứ ba, giải pháp của chúng tôi về công nghệ, quy trình, cá thể hóa… đã vượt qua những đánh giá khắt khe của hội đồng giám khảo quốc tế để đoạt giải thưởng lớn (Giải pháp thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á tại giải thưởng quốc tế Telecom Asia Awards 2019 -PV). Điều này chứng minh là giải pháp đô thi thông minh này có thể áp dụng cho nhiều thành phố khác trên thế giới.