Hotline: 0975.176.376 - 0975.73.75.77

BỘ TT&TT: XẢY RA SỰ CỐ AN NINH MẠNG, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN, TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP PHẢI VÀO CUỘC NGAY LẬP TỨC

Trong thông điệp mới phát ra, Bộ TT&TT khuyến nghị, khi xảy ra các sự cố về an toàn, an ninh mạng, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần phải xác định trách nhiệm vào cuộc ngay lập tức.
Trong thông điệp mới phát ra, Bộ TT&TT khuyến nghị, khi xảy ra các sự cố về an toàn, an ninh mạng, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần phải xác định trách nhiệm vào cuộc ngay lập tức.

Bộ TT&TT cho biết Bộ thường xuyên đưa ra các cảnh báo về an toàn, an ninh mạng, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần thay đổi thái độ khi tiếp nhận các cảnh báo đó, vì hậu quả xảy ra là nghiêm trọng (Ảnh minh họa: Internet).

Bộ TT&TT vừa đưa ra thông điệp về công tác đảm bảo an toàn không gian mạng Việt Nam.

Thông điệp của Bộ TT&TT nêu rõ, Bộ thường xuyên đưa ra các cảnh báo về an toàn, an ninh mạng, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần thay đổi thái độ khi tiếp nhận các cảnh báo đó, vì hậu quả xảy ra là nghiêm trọng, gây thiệt hại về uy tín cũng như tiền bạc.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng được khuyến nghị cần tham gia vào mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia để chia sẻ, tiếp nhận các thông tin về sự cố an toàn, an ninh mạng và hỗ trợ xử lý nếu cần.

Khi xảy ra các sự cố về an toàn, an ninh mạng, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần phải xác định trách nhiệm vào cuộc ngay lập tức, Bộ TT&TT khi gửi cảnh báo sẽ CC (gửi thêm bản sao - PV) cho người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương tương ứng.

Thông điệp của Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh việc thống nhất, chia sẻ thông tin, phối hợp liên kết giữa các lực lượng Bộ TT&TT (Cục An toàn thông tin), Bộ Công an (Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao), Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng) và chủ quản Hệ thống thông tin trong công tác về an toàn, an ninh mạng.

"Bộ TT&TT đã tập hợp, lựa chọn, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt phát triển các sản phẩm về an toàn, an ninh mạng, sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc để đảm bảo một không gian mạng an toàn cho Việt Nam", Bộ TT&TT cho biết.  

Tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng đã nhiều lần được người đứng đầu ngành TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ở kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 8/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định, Bộ TT&TT xác định rõ điều kiện đầu tiên, tiên quyết trong phát triển kinh tế số, xây dựng Chính phủ điện tử là đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Trước đó, vào tháng 6/2019, Bộ TT&TT đã chủ trì soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 14 về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam. Chỉ thị 14 đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm  nếu để xảy ra mất an toàn, an ninh mạng, lộ lọt bí mật nhà nước tại cơ quan, đơn vị mình quản lý.

Cùng với đó, Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu: các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước chỉ định, kiện toàn đầu mối đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin mạng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên trách về an toàn, an ninh mạng của Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong giám sát, chia sẻ thông tin, kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng. Mỗi cơ quan, tổ chức cần lựa chọn 1 tổ chức cung cấp dịch vụ giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp, đồng thời cần định kỳ 6 tháng, 1 năm một lần thực hiện kiểm tra, đánh giá và kiểm định về an toàn, an ninh mạng.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ thị, ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp, dịch vụ của doanh nghiệp trong nước đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh mạng theo quy định của pháp luật đối với các hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên, các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử; bảo đảm tỷ lệ kinh phí chi cho các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng đạt tối thiểu 10% trong tổng kinh phí triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm, giai đoạn 5 năm và các dự án CNTT.

Trên thực tế, theo khảo sát của Cục An toàn thông tin và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp thực hiện, bên cạnh những yếu tố khác, điểm yếu nhất của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam vẫn là nhận thức về an toàn thông tin.

Cụ thể, theo báo cáo đánh giá, xếp hạng mức độ đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2018 được Cục An toàn thông tin công bố  tại hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam - Vietnam Security Summit 2019 hồi tháng 4, tỉ lệ cơ quan có khả năng ghi nhận tấn công mạng là 25,3%; tỉ lệ cơ quan có hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng chỉ chiếm 9,2%; tỉ lệ cơ quan có quy trình thao tác chuẩn ứng phó sự cố là 35,7%. Đáng chú ý, báo cáo cũng cho thấy, có tới 51,82% cơ quan tự đánh giá an toàn thông tin chưa được ưu tiên đúng mức và gần 30% cơ quan cho rằng lãnh đạo chưa quan tâm đến an toàn thông tin.