Hotline: 0975.176.376 - 0975.73.75.77

GIÁM SÁT KINH TẾ NGẦM NHIỀU NƯỚC BẮT BUỘC ÁP DỤNG HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ

Kinh tế ngầm hoặc khu vực kinh tế không chính thức tồn tại như một tất yếu khách quan. Tuy nhiên, vẫn luôn chịu sự tác động của các quy luật kinh tế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng như hiệu lực của hệ thống pháp luật ở mức độ khác nhau, tùy thuộc vào mỗi quốc gia.

Giám sát kinh tế ngầm nhiều nước bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử


Kinh tế ngầm hoặc khu vực kinh tế không chính thức tồn tại như một tất yếu khách quan. Tuy nhiên, vẫn luôn chịu sự tác động của các quy luật kinh tế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng như hiệu lực của hệ thống pháp luật ở mức độ khác nhau, tùy thuộc vào mỗi quốc gia.

Sự tồn tại của kinh tế ngầm có nhiều ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế, trong đó vấn đề gây thất thu cho NSNN (do các hoạt động giao dịch bằng tiền mặt được thực hiện không có sự kiểm soát của nhà nước) ngày càng đặt ra thách thức đối với cơ quan quản lý thuế. 

Hiện nay ở nhiều nước, công tác quản lý thuế được tăng cường và hướng đến kỹ thuật số, nhằm giảm cơ hội phát triển của kinh tế ngầm và tăng cường phát hiện hành vi gian lận.  Một yếu tố rất quan trọng của nền kinh tế ngầm là thanh toán bằng tiền mặt, cho phép người bán không báo cáo các giao dịch thương mại. Tuy nhiên, nếu phương thức thanh toán điện tử được sử dụng thay vì tiền mặt thì các giao dịch khó có thể giấu diếm. Do đó, các quốc gia có xu hướng quy định áp dụng bắt buộc hóa đơn điện tử, thanh toán lương và các khoản thu nhập thông qua phương thức điện tử nhằm giảm quy mô nền kinh tế ngầm. 

Áp dụng bắt buộc hóa đơn điện tử 

Nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, nhìn chung đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử chủ yếu là các DN, người bán hàng hóa, dịch vụ và các nhà cung cấp. Việc lập hóa đơn điện tử được áp dụng cho các đối tượng giao dịch B2G (giữa DN và chính phủ), B2B (giữa DN với DN), B2C (giữa DN và khách hàng cá nhân). 

Tại Trung Quốc, cơ sở quản lý thuế là hóa đơn. Theo mô hình truyền thống, Chính phủ nước này quản lý thông qua hóa đơn giấy có dấu của cơ quan thuế. Tuy nhiên, cùng với việc cải cách quản lý, Trung Quốc đã áp dụng điện tử hóa các con dấu, chữ ký và hóa đơn. Hóa đơn điện tử ở Trung Quốc được định nghĩa là hóa đơn có thông tin được mã hóa, số hóa và đưa lên mạng, do vậy nó khác biệt hoàn toàn với hóa đơn truyền thống bằng giấy. Trung Quốc có những công cụ xác nhận danh tính, chữ ký điện tử, giúp đảm bảo độ chính xác thông tin trên mạng. Thay đổi đó tạo điều kiện thuận tiện hơn cho việc giám sát của cơ quan thuế, do có thể giám sát tức thì, thay vì giám sát hậu kỳ như trước đây. 

Hiện tại, Trung Quốc đã áp dụng hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc cho tất cả các DN. Mỗi hóa đơn có 1 mã QR, con dấu của cơ quan thuế và hệ thống ký mã hiệu, dùng để quét thông tin trên từng hóa đơn. Thông qua hóa đơn điện tử, cơ quan thuế có thể kiểm tra được lượng hàng tồn kho của bất cứ DN nào. Hiện nay, Trung Quốc đang triển khai xây dựng Cục Thuế điện tử nhằm thực hiện chiến lược số hóa quốc gia.

Còn Singapore đã cho phép áp dụng hóa đơn điện tử từ năm 2003. DN có thể phát hành hóa đơn điện tử mà không cần sự chấp thuận trước của cơ quan thu nội địa (IRAS), nhưng phải tuân thủ hướng dẫn lưu giữ hồ sơ đối với DN đăng ký GST. DN cũng có thể thuê bên thứ ba tạo hóa đơn điện tử và tín dụng điện tử. Theo hướng dẫn lưu giữ hồ sơ, thì hồ sơ hóa đơn điện tử có thể được giữ bằng phần mềm kế toán. Thêm vào đó, mặc dù IRAS không yêu cầu chữ ký số (IRAS, 2013b) nhưng hồ sơ hóa đơn điện tử vẫn phải được lưu giữ và hoạt động với độ tin cậy và tính xác thực cần thiết. Vào đầu tháng 11/2008, các DN cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho chính phủ bắt buộc phải phát hành hóa đơn điện tử. Như vậy, Singapore đã đưa ra quy định bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử B2G (giữa DN và Chính phủ) từ năm 2008 và áp dụng với đối tượng là các nhà cung cấp. 

Hàn Quốc đã triển khai hệ thống thuế GTGT vào năm 1976 và để cải thiện cơ chế hành thu, quốc gia này đã yêu cầu áp dụng toàn bộ hóa đơn điện tử đối với B2G (giữa DN và chính phủ) và B2B (giữa DN với DN) vào năm 2010. Đối với các DN và cá nhân khác, trước đây việc sử dụng hóa đơn điện tử được áp dụng đối với một số nhóm đối tượng nhất định. Tuy nhiên, sau đó hóa đơn điện tử được áp dụng bắt buộc đối với DN (từ năm 2011) và hóa đơn điện tử được áp dụng theo ngưỡng doanh thu và ngưỡng này được điều chỉnh giảm dần (từ năm 2012 là 1 tỷ KRW (khoảng 910 ngàn USD) và từ 01/07/2014 là 300 triệu KRW (tương đương khoảng 270 ngàn USD). Theo đánh giá, việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử giúp tiết kiệm 6.700 tỷ Won chi phí cho toàn xã hội. 

Mexico cũng là một quốc gia áp dụng rộng rãi hóa đơn điện tử. Năm 2010, mô hình xuất hóa đơn điện tử qua Internet (CFDI) được công bố. Năm 2011, các công ty có doanh thu lớn hơn 4 triệu peso phải áp dụng CFDI. Ngày 1/1/2014, 

Mexico triển khai bắt buộc áp dụng CFDI với các công ty có doanh thu từ 250,000 peso trở lên, và cho phát hành tiền lương hoặc chứng từ lương. Sau đó, các hình thức hóa đơn truyền thống đã dần không còn được sử dụng rộng rãi, thay vào đó là hóa đơn điện tử. Mục tiêu chính của việc bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử là chống gian lận thuế và giảm nền kinh tế phi chính thức. Để có thể phát hành một hóa đơn điện tử, DN phải đăng ký với Cơ quan thuế Mexico (SAT) và có được chữ ký số và con dấu kỹ thuật số từ SAT. Thêm vào đó, chỉ có định dạng XML là hợp lệ đối với một hóa đơn điện tử. Tác động của việc áp dụng hóa đơn điện tử khá rõ rệt trong việc làm giảm quy mô nền kinh tế ngầm khoảng 4% GDP và tăng nguồn thu thuế GTGT tương đương 21% ngân sách hàng năm của Mexico . 

Thanh toán điện tử trong trả lương và các khoản thu nhập 

Về cơ bản, quy định này đưa ra nghĩa vụ thực hiện bắt buộc thanh toán điện tử (không dùng tiền mặt) đối với các khoản tiền lương và tiền công thông qua chuyển khoản qua ngân hàng (Croatia, Slovenia, Bosnia, Uruguay). Theo dữ liệu của World Bank, năm 2014 hơn 70% người nhận lương ở các quốc gia được phân tích đã nhận tiền lương vào tài khoản của họ thông qua các tổ chức tài chính (74,6% ở Bulgary; 77,5% ở Bosnia, tỷ lệ cao nhất là 97% ở Slovenia). Lượng tiền được trả thông qua tài khoản ngân hàng sẽ tự động làm tăng khối lượng thanh toán điện tử (thay thế các giao dịch bằng tiền mặt), qua đó giúp giảm quy mô nền kinh tế ngầm. Theo dữ liệu được Ernst & Young (EY) công bố, quy định thanh toán tiền lương và tiền công thông qua tài khoản ngân hàng ước tính giúp quy mô của nền kinh tế ngầm giảm khoảng 0,28% GDP ở Ba Lan; 0,13% GDP ở Cộng hòa Séc; 0,1% GDP ở Bulgary.

Áp dụng ngưỡng thanh toán tiền mặt của người tiêu dùng

Quy định này xác định một giá trị tiền tệ nhất định (ngưỡng) cho một giao dịch, mà nếu vượt quá thì người tiêu dùng phải thay thế bằng các khoản thanh toán điện tử bổ sung, Đây cũng là cách thức mà cơ quan quản lý thuế áp dụng, nhằm làm giảm quy mô của nền kinh tế ngầm và tăng nguồn thu cho nhà nước.  

Ngưỡng thanh toán tiền mặt đã được áp dụng ở Bulgary, Croatia, Cộng hòa Séc, Slovakia. Tại Croatia, theo hoạt động chống rửa tiền và Đạo luật chống khủng bố tài chính, số tiền tối đa có thể được phép thanh toán bằng tiền mặt được giới hạn ở mức 105.000 HRK. Tại Slovakia, từ ngày 1/1/2012, ngưỡng thanh toán tiền mặt đối với giao dịch B2B, C2B và B2C lên tới 5.000 Euro. Tại Cộng hòa Séc, hạn mức thanh toán tiền mặt trong một ngày là 350.000 CZK (khoảng 14.000 Euro). Tại Bulgary, ngưỡng tối đa thanh toán tiền mặt là 10.000 leva (khoảng 5.112 Euro). Tại Bỉ, từ 16/4/2012, ngưỡng thanh toán tiền mặt giảm xuống từ 15.000 Euro xuống 5.000 Euro. Tại Hy Lạp, mức tối đa đối với giao dịch mua hàng hóa và dịch vụ là 1.500 Euro.  

Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới cho thấy, nền kinh tế ngầm dù đang giảm dần về quy mô, nhưng sự hiện hữu của nó vẫn đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý thuế. Theo đó đòi hỏi phương thức quản lý cần có những điều chỉnh nhằm đáp ứng kịp thời với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế nói chung, cũng như kinh tế ngầm nói riêng. Cụ thể, Việt Nam cần áp dụng bắt buộc hóa đơn điện tử, bởi đây là một trong những thành tựu của nền kinh tế số, cho phép đem lại rất nhiều lợi ích. Đối với cơ quan thuế, việc quy định DN sử dụng hóa đơn điện tử giúp giảm chi phí quản lý, dễ dàng truy xuất các số liệu thống kê báo cáo trên hệ thống, đồng thơfời cho phép kiểm tra, đối chiếu số liệu đầu ra và đầu vào của các DN, hỗ trợ việc hoàn thuế được thuận tiện và chính xác. Hơn nữa, công nghệ hóa đơn điện tử  còn giúp đạt được hiệu quả về quản lý thuế, kiểm soát được dòng tiền, qua đó sẽ giảm được quy mô nền kinh tế ngầm.

Việc áp dụng bắt buộc thanh toán điện tử đối với việc trả lương và các khoản thu nhập thông qua ngân hàng được hầu hết các quốc gia trên thế giới thực hiện, nhằm hạn chế tối đa các giao dịch tiền mặt (yếu tố chủ chốt đại diện cho nền kinh tế ngầm). Dó đó Việt Nam nếu không muốn tách khỏi xu thế phát triển tất yếu cũng nên xem xét, cân nhắc hướng đến áp dụng bắt buộc thanh toán điện tử đối với các khoản tiền lương và tiền công theo lộ trình nhất định, để các chủ thể trong nền kinh tế có thời gian thích nghi và thực hiện. Riêng đối với các lợi ích an sinh xã hội, để thanh toán điện tử đòi hỏi Chính phủ phải có hệ thống hạ tầng công nghệ hoàn thiện, cơ quan quản lý thuế phải được trang bị hệ thống công nghệ thông tin hiện đại mới có thể áp dụng bắt buộc. 

Tương tự, do thói quen dùng tiền mặt trong các giao dịch kinh tế đã hình thành từ khá lâu tại Việt Nam, nên để thực hiện phương thức quản lý theo cách áp dụng ngưỡng thanh toán tiền mặt của người tiêu dùng, thì cần được thực hiện có lộ trình. Mặt khác, cần đẩy mạnh vận động, tuyên truyền các chủ thể trong nền kinh tế hướng tới việc thanh toán điện tử, vì sự thuận tiện cũng như lợi ích mang lại trong việc giảm thiểu quy mô của nền kinh tế ngầm, đồng thời giúp cơ quan thuế tăng nguồn thu và kiểm soát được các hành vi gian lận.