Ngày nay, Thế hệ Z đang bước đầu gia nhập vào lực lượng lao động. Vì lí do đó, chúng ta cần có cái nhìn tổng thể về Thế hệ của những “dân bản địa công nghệ” này. Ở mỗi quốc gia khác nhau, các Z-ers lại có những đặc điểm riêng biệt. Hãy cùng nhau khám phá về các Z-ers ở Việt Nam.
Gần đây, Epinion Global đã có một cuộc nghiên cứu đi sâu hơn tìm hiểu về Thế hệ Z ở Việt Nam. Với khoảng 14,4 triệu dân, thế hệ này chi tiêu khoảng 2,5 triệu VND mỗi tháng. Nghiên cứu cũng đưa ra những điều được cho là chân lý về các Việt Nam Z-ers: Họ được sinh ra trong một thế giới số với khả năng tiếp cận thông tin đầy đủ và họ đang sống ở thời điểm mà ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo trở nên mờ ảo.
Với tất cả 710 phản hồi, Epinion đã phát hiện ra 7 đặc điểm thú vị về Thế hệ Z ở Việt Nam như thế này.
1.Họ không thích dành thời gian ra ngoài
Online mọi lúc là điều bình thường đối với Z-ers ở Việt Nam. Những người này chỉ thích thú khi được online, gọi điện thoại và nằm ở nhà. Đối với Z-ers, họ có cảm giác thoải mái nhất khi tiếp xúc với những người khác chỉ qua một chiếc màn hình.
Trên thực tế, họ thích các ứng dụng trò chuyện, nhắn tin hơn là liên lạc theo kiểu “mặt đối mặt” và vì vậy có tới 47% số người chọn cách diễn tả cảm xúc của mình thông qua các nhãn và biểu tượng cảm xúc.
2. Điện thoại di động là nguồn sống của họ
Vâng, rất nhiều Z-ers không thể rời chiếc điện thoại của họ dù chỉ nửa bước. Thậm chí nhiều bạn trẻ ở Việt Nam còn đang bắt đầu gặp phải chứng Nomophobia (No – mobile – phone phobia) - chứng tâm lý lo sợ khi không có điện thoại hoặc Phantom Vibration Syndrome – hội chứng tưởng tượng rằng điện thoại đang rung dù thực tế điện thoại không hề rung.
Trong tương lai, chúng ta sẽ thấy nhiều sự phiền nhiễu hơn nữa đo diện thoại gây ra. Bởi các Z-ers chỉ thích dành thời gian tìm kiếm thông tin, sản phẩm và các thương hiệu trên các thiết bị công nghệ của họ.
3. Tuy nhiên, họ trở nên hoài nghi nhiều hơn đối với Internet
Mặc dù nhận được nhiều lợi ích và nắm bắt được nhiều thông tin hơn từ Internet, nhưng Z-ers lại là những người hoài nghi hơn bạn nghĩ.
Chỉ có 27% trong số họ đồng ý với ý kiến cho rằng "Tôi tin tưởng vào những thông tin mà bạn bè mình chia sẻ qua các phương tiện truyền thông". Có thể nhận thấy, Z-ers khá cẩn trọng với những cái bẫy online.
Họ dường như có rất nhiều kinh nghiệm khi tiếp cận các thông tin trực tuyến. Họ tin rằng nguồn gốc của thông tin được chia sẻ chưa chắc đã được lấy từ các nguồn đáng tin cậy. Để giảm thiểu sự hoài nghi với độ tin cậy của các thông tin này, Z-ers cần nhận được nhiều những bằng chứng về tính xác thực của thông tin và cả sự kiểm duyệt của các tổ chức có uy tín.
4. Họ khá quan tâm đến các vấn đề xã hội
Các Z-ers ở Việt Nam cho rằng sẽ tốt hơn khi đứng lên và làm một điều gì đó cho bản thân và xã hội. Họ luôn có những mong muốn mãnh liệt được tham gia và là người có tầm ảnh hưởng đối với các vấn đề xã hội. Bởi họ đang lớn lên trong khoảng thời gian mà xã hội trở nên hỗn loạn vì những xu hướng chưa từng có và họ cần có những nhận thức sâu sắc về các vấn đề này.
Bởi lí do trên, Z-ers có nhiều khả năng sẽ là những người hỗ trợ các doanh nghiệp trong tương lai đạt được những mục tiêu cao hơn.
5. Họ có thể mắc hội chứng “không trưởng thành được”
Ngày nay, các Việt Nam Z-ers đã và đang trở thành tâm điểm của sự chú ý. Có thể nói họ đã lớn lên trong một nền kinh tế khá là ổn định. Và cũng vì lí do trên, 82% trong số những người này thừa nhận rằng họ sống tốt hơn so với thế hệ của cha mẹ mình.
Điều đó làm cho họ cảm thấy rất thoải mái khi ở nhà, và nhà chính là “vùng trời an toàn của họ”. Rất nhiều bạn trẻ không thể lớn nổi bởi họ sống trong một môi trường quá an toàn như thế : Có nhiều sự đùm bọc và dựa dẫm. Do vậy, họ hoàn toàn thiếu đi bản lĩnh cá nhân và tính tự lập.
6. Họ tự tin và am hiểu
Sống trong kỷ nguyên với những sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, các Z-ers đã trở thành những người rất tự tin nhờ sự trợ giúp của các thiết bị công nghệ. Có tới 83% cảm thấy họ biết nhiều về công nghệ hơn so với bố mẹ của họ. Với sự tự tin và am hiểu này, tiếng nói của họ dường như có tầm ảnh hưởng lớn hơn đến các quyết định quan trọng trong cuộc sống.
Ngoài ra, với kho thông tin trực tuyến rộng lớn luôn nằm trong tầm tay, Thế hệ Z cho rằng họ là những người thông minh và luôn luôn có sự hiểu biết. Nếu thế hệ này có khát khao học hỏi và nâng cao trình độ học vấn của mình, có thể họ sẽ trở thành thế hệ có kiến thức nhất mà chúng ta từng gặp.
7. Họ sẽ “tuyệt chủng” nếu không có Internet
Tất nhiên! Tất cả các hoạt động giải trí, đọc tin tức của các Z-ers đa số đến từ Internet. Chúng ta có thể nhận thấy rằng thế hệ Z ở Việt Nam là những người luôn theo dõi và cập nhật xu hướng, thông tin online bất kể lúc nào. Họ không thể bỏ lỡ dù chỉ một tin tức rất nhỏ và thậm chí là không đáng chú ý về người nổi tiếng.
Và hơn hết là họ bị bệnh sợ bỏ lỡ bất kể một thông tin nào mà bạn bè của họ biết nhưng họ lại chưa kịp cập nhật. Nếu không có Internet, Z-ers cảm thấy như các thiết bị công nghệ trong tay họ trở nên vô dụng và cuộc sống trở nên tẻ nhạt hơn bao giờ hết.
Với Internet, học có thể kết nối với cả thế giới, nhưng không có Internet, họ cảm giác như mình đang ở một mình.