Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng bắt buộc trên toàn cầu. Quốc gia nào chậm chân có thể bị tụt lại phía sau, doanh nghiệp nào đứng ngoài có thể bị đối thủ vượt mặt. Tháng 6/2020, Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia. Một tháng sau đó, TP.HCM cũng chính thức có Chương trình Chuyển đổi số của thành phố, trở thành địa phương đầu tiên cả nước ban hành chương trình này.
Tại buổi lễ công bố Chương trình Chuyển đổi số của TP.HCM diễn ra ngày 22/7, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu nêu rõ: Nhiều chương trình lớn của ngành thông tin và truyền thông đã được kết tinh vào Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia. Chuyển đổi số là thời kỳ dám ứng dụng công nghệ mới, dám thay đổi mô hình quản trị, dám thay đổi mô hình kinh doanh, dám chấp nhận các mô hình mới.
VietNamNet xin giới thiệu nội dung phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi lễ này (các tiêu đề nhỏ do toà soạn đặt).
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại lễ công bố Chương trình Chuyển đổi số của TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng |
Toàn quốc chuyển đổi số: Cuộc cách mạng toàn dân
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Chương trình Chuyển đổi số ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia. Bộ TT&TT trân trọng cảm ơn thành phố đã hưởng ứng mạnh mẽ, đi đầu trong triển khai chuyển đổi số quốc gia. Cái mới thì bao giờ cũng rất cần những người dấn thân đi đầu. Mở đường thành công của TP.HCM sẽ kéo theo cả đất nước thành công.
Nhiều chủ trương, chương trình lớn của ngành Thông tin và Truyền thông đã được kết tinh vào Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia. Đó là:
1)- Make in Vietnam: Tức là thiết kế tại Việt Nam, làm ra sản phẩm tại Việt Nam. Kêu gọi chuyển từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm Việt Nam. Không làm sản phẩm thì Việt Nam không hùng cường thịnh vượng được.
Từ năm nay, Bộ TT&TT sẽ tổ chức giải thưởng quốc gia về sản phẩm công nghệ số Việt Nam. Giải bài toán Việt Nam và từ đó đi ra toàn cầu.
Chúng ta tự hào là đã có thiết bị 5G Việt Nam, có mạng xã hội Việt Nam, có sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam và rất nhiều phần mềm Việt Nam.
Để thúc đẩy Make in Vietnam, Bộ TT&TT mong muốn TP.HCM hãy đẩy các bài toán, các vấn đề của thành phố tới cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam để họ tham gia giải quyết.
2)- Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam: Chúng ta phát triển cả 4 loại doanh nghiệp: Doanh nghiệp làm chủ công nghệ lõi, doanh nghiệp phát triển sản phẩm, doanh nghiệp triển khai và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Cứ mỗi 1.000 người dân thì có 1 doanh nghiệp công nghệ số. Sẽ cần hàng trăm ngàn doanh nghiệp tại các địa phương để triển khai, đưa ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt của đời sống kinh tế - văn hoá - xã hội. Cũng là để đón, để hợp tác, nhất là hợp tác nghiên cứu phát triển, với các doanh nghiệp công nghệ toàn cầu đầu tư vào Việt Nam.
3)- Hạ tầng số quốc gia: Chuyển đổi từ hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, đó là hạ tầng viễn thông băng rộng 5G, cáp quang và hạ tầng điện toán đám mây - iCloud.
Mỗi người dân 1 máy điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang tốc độ cao. Nằm trong top 50 vào 2025, và top 30 vào 2030. Hạ tầng số còn bao gồm các nền tảng (Platforms) Việt Nam để tài nguyên dữ liệu Việt Nam được lữu giữ tại Việt Nam.
Định danh số eID cũng là một nền tảng mang tính hạ tầng, cần phải đi trước và đi nhanh, để thúc đẩy chuyển đổi số.
4)- Hạ tầng bưu chính chuyển phát, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu: Đó là hạ tầng logistics, hạ tầng về địa chỉ số các hộ gia đình. Bưu chính chuyển phát trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, của thương mại điện tử.
5)- Phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam, trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng. Tạo ra niềm tin số thì người dân, doanh nghiệp, chính phủ mới sẵn sàng mạnh mẽ lên môi trường số. Chuyển đổi số mới vì thế mà thành công.
6)- Chuyển đổi số Quốc gia, bao gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số: Đây chính là chương trình thông minh hoá quốc gia.
Ba cuộc cách mạng đã qua là cơ khí hoá, điện khí hoá và tự động hoá, là máy thay lao động chân tay. Cuộc cách mạng lần thứ 4 là thông minh hoá, là máy thay lao động trí óc.
Trong năm 2020, các ban, bộ, ngành, các địa phương sẽ xây dựng và ban hành chiến lược hoặc chương trình chuyển đổi số của mình, tức là toàn quốc chuyển đổi số. Một cuộc cách mạng toàn dân.
Chính phủ số dựa trên nền tảng Platform để cung cấp dịch vụ theo nhu cầu, ứng dụng công nghệ mới để cung cấp dịch vụ mới cho người dân, các quyết định được đưa ra dựa trên phân tích dữ liệu. 100% dịch vụ công sẽ lên trực tuyến năm 2021. Mở dữ liệu quốc gia thông qua cổng data.gov.vn.
2020-2021 sẽ hoàn thành 2 cơ sở dữ liệu quốc gia cuối cùng là dân cư và đất đai.
Quí 4/2020 cũng sẽ ra mắt dịch vụ Mobile Money, để 100% người dân có thể thanh toán điện tử.
Chuyển đổi số các ngành được coi là trọng tâm, như: Y tế, giáo dục, tài chính, sản xuất, giao thông, nông nghiệp, du lịch,v.v... Xác định dữ liệu là dầu mỏ, trí tuệ nhân tạo là công cụ và đổi mới thể chế để chấp nhận cái mới là tạo ra thị trường, để thực hiện chuyển đổi số.
Chính phủ đầu tư dài hạn về nghiên cứu các công nghệ nền tảng phục vụ chuyển đổi số, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn.
Chính phủ cũng tập trung chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm công nghệ, cho chuyển đổi số. Chính phủ là hộ chi tiêu lớn nhất, chi vào đâu thì chỗ đó phát triển.
TP.HCM cũng nên chi tiêu nhiều hơn cho chuyển đổi số, tạo kích hoạt ban đầu cho chuyển đổi số. Mức chi trung bình cho công nghệ thông tin là 1% ngân sách, những nước đi đầu về công nghệ thông tin, như Hàn Quốc, thì chi hàng năm 2%.
7)- Báo chí truyền thông với sứ mệnh khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng: Lan toả năng lượng tích cực, tạo ra sức mạnh tinh thần để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp làm ăn, dựng xây đất nước. Báo chí truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong toàn xã hội.
8)- Bộ TT&TT là đầu mối một cửa cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, cũng như các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số. Bộ TT&TT cam kết đồng hành, hỗ trợ các nguồn lực, thực hiện nhiều thí điểm chính sách với TP.HCM trong chuyển đổi số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng . | Sáng tạo công nghệ là câu chuyện toàn cầu, còn ứng dụng là câu chuyện dám hay không dám của địa phương, của lãnh đạo địa phương. |
Dám ứng dụng công nghệ mới....quan trọng hơn sáng tạo công nghệ
Chuyển đổi số là thời kỳ dám ứng dụng công nghệ mới, dám thay đổi mô hình quản trị, dám thay đổi mô hình kinh doanh, dám chấp nhận các mô hình mới quan trọng hơn là sáng tạo công nghệ.
Sáng tạo công nghệ là câu chuyện toàn cầu, còn ứng dụng là câu chuyện dám hay không dám của địa phương, của lãnh đạo địa phương.
Khi một cuộc cách mạng xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Nhiều cái mới sẽ phá huỷ cái cũ, hay còn gọi là sự sáng tạo mang tính phá huỷ. Ứng dụng công nghệ để đổi mới sáng tạo sẽ là câu chuyện chính.
Ai dám thí điểm cái mới, sớm ứng dụng cái mới, dám cho cái mới một tờ giấy khai sinh, thì người đó mới có cơ hội thành công, bứt phá vươn lên và thay đổi thứ hạng. Nhưng phải là đi trước người khác thì mới có cơ hội thay đổi thứ hạng.
Tất cả chúng ta đều mong muốn TP.HCM, một đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, coi như một đột phá chiến lược giúp thành phố phát triển nhanh và bền vững.
Và chúng ta cũng chúc thành phố sẽ thành công trong sự dấn thân này.