Hotline: 0975.176.376 - 0975.73.75.77

NHỜ TELEHEALTH, GẦN 170 ĐIỂM CẦU CÙNG LÚC ĐƯỢC LƯU Ý TRONG ĐIỀU TRỊ CA BỆNH TAY CHÂN MIỆNG NẶNG

Từ trường hợp bé trai 16 tháng tuổi ở Bắc Giang đưa đến bệnh viện cấp cứu ở ngày thứ 2 khi xuất hiện các cơn co giật, li bì, được chẩn đoán mắc tay chân miệng giai đoạn 2b báo cáo tại buổi khai trương khám chữa bệnh từ xa- Telehealth, các chuyên gia của BV Nhi Trung ương lưu ý các bác sĩ gần 170 điểm cầu khi chẩn đoán tay chân miệng, cần dựa vào lâm sàng, không nên chờ kết quả xét nghiệm...
Bệnh nhi tại Bắc Giang nêu trên là 1 trong 4 ca bệnh nặng được các bác sĩ của BV Nhi Trung ương hội chân từ xa ngay tại buổi khai trương khám chữa bệnh từ xa cuối tuần qua. Cụ thể, ca bệnh tại huyện đảo Cô Tô (Trung tâm Y tế huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh); ca bệnh viêm não trên bệnh nhi mắc tay chân miệng (BV Sản Nhi Bắc Giang); ca bệnh viêm não ở trẻ sơ sinh chưa rõ nguyên nhân (BV Nhi Thái Bình); ca bệnh viêm não chưa rõ nguyên nhân (BVĐK Hùng Vương, Phú Thọ)…

168 điểm cầu tại các cơ sở y tế, bệnh viện được kết nối qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa- Telehealth và sẽ được hỗ trợ chuyên môn tốt nhất từ bệnh viện đầu ngành về nhi khoa đã được cùng theo dõi hội chẩn điều trị các ca bệnh này.

Từ điểm cầu BV Nhi Trung ương, các chuyên gia hội chẩn từ xa các ca bệnh viêm não đến các điểm cầu bệnh viện tuyến tỉnh, huyện

Báo cáo từ điểm cầu BV Sản Nhi Bắc Giang, BS Nguyễn Thị Lệ thông tin, bệnh nhi Nguyễn Anh Đ., 16 tháng tuổi, ở Tân Yên, Bắc Giang, vào viện 3/9 với các biểu co giật, ngủ gà, li bì.

Trước đó trẻ mệt mỏi, biếng ăn, không nôn, không co giật, sốt 38-39 độ C. Tuy nhiên trên người không có phát ban dạng phỏng nước nên gia đình chỉ cho hạ sốt thông thường.

Đến ngày thứ 2, trẻ mệt mỏi, bỏ ăn, tiếp tục sốt cao, khó ngủ, quấy khóc vô cớ. Đến chiều cùng ngày, trẻ co các co giật toàn thân nên gia đình vội đưa vào BV Sản Nhi Bắc Giang.

Trên miệng bệnh nhi xuất hiện các vết loét, triệu chứng đặc trưng của tay chân miệng

Ngay khi vào viện, bệnh nhi được chuyển thẳng lên khoa Hồi sức cấp cứu. Sau đó trẻ xuất hiện liên tiếp 2 cơn co giật cách nhau 30 phút.

Qua thăm khám cho trẻ, đặc biệt khi khám họng, bác sĩ phát hiện trẻ có vết loét ở hàm ếch, thành sau họng loét có giả mạc trắng. Tay chân vẫn không có tổn thương mụn nước.

Các bác sĩ tại Bắc Giang chẩn đoán trẻ mắc tay chân miệng độ 2b do virus EV71, nghi ngờ viêm não, chỉ định điều trị kháng sinh kết hợp hạ sốt và thuốc chống co giật. Tuy nhiên do một loại thuốc bị thiếu nên sau đó đã chuyển bệnh nhi lên BV Nhi Trung ương để điều trị.

Tại BV Nhi Trung ương, bệnh nhi được chẩn đoán mắc tay chân miệng có biến chứng viêm não, viêm màng não. Sau vài ngày điều trị ổn định, bệnh nhi được chuyển sang BV Châm cứu Trung ương để châm cứu phục hồi chức năng do biến chứng thần kinh khiến trẻ không thể tự đứng, tự đi.

Lưu ý từ chuyên gia BV Nhi Trung ương

Qua trường hợp này, TS.BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội, Trung tâm Bệnh nhiệt đới Trẻ em, BV Nhi Trung ương lưu ý các bác sĩ, khi chẩn đoán tay chân miệng, cần dựa vào lâm sàng, không nên chờ kết quả xét nghiệm. Các kết quả xét nghiệm chỉ để chẩn đoán, theo dõi các biến chứng.

Với bệnh nhi Đ., hình ảnh chụp cộng hưởng từ sọ não không hề phát hiện bất cứ tổn thương nào ở bán cầu tiểu não, thân não, nhu mô não. Tuy nhiên, trẻ vẫn bị tổn thương thần kinh.

Theo TS Hải, để dựa vào hình ảnh CT sọ não xác định trẻ mắc tay chân miệng có tổn thương hay không sẽ cần bác sĩ rất nhiều kinh nghiệm mới có thể nhìn ra.

TS Hải cho biết, tay chân miệng rất dễ lây từ trẻ này qua trẻ khác, thường do 2 nhóm virus đường ruột Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Bệnh có thể gây thành dịch lớn.

TS.BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội, Trung tâm Bệnh nhiệt đới Trẻ em, BV Nhi Trung ương lưu ý các bác sĩ, khi chẩn đoán tay chân miệng, cần dựa vào lâm sàng, không nên chờ kết quả xét nghiệm.

Đa phần trẻ có diễn biến nhẹ nhưng bệnh cũng có thể có biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có nguy cơ dẫn đến sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn đến tử vong. Trẻ nhiễm EV71 thường có diễn biến nặng hơn.

"Phủ sóng" khám chữa bệnh từ xa chuyên ngành nhi khoa đến huyện đảo

GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa hướng đến mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sỹ tại các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa. BV Nhi Trung ương sẽ thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, trao đổi, hỗ trợ các ca bệnh khó, phức tạp; qua đó từng bước cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ em tại cơ sở.

Thông qua Telehealth, các giáo sư, bác sĩ của BV Nhi Trung ương tại Hà Nội đã hỗ trợ nhanh chóng chữa trị các ca bệnh khó tại mọi miền của tổ quốc. Đặc biệt, bệnh nhi tại huyện đảo Cô Tô đã được các bác sĩ tư vấn và hội chẩn, rút ngắn thời gian và hành trình di chuyển của bệnh nhân từ đảo về đất liền mà vẫn đảm bảo chất lượng điều trị.

Tại buổi lễ khai trương hệ thống khám chưã bệnh từ xa của BV Nhi TW diễn ra cuối tuần qua, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh việc triển khai hệ thống khám bệnh, chữa bệnh từ xa là bước phát triển mới hướng tới sự đồng bộ, hoàn thiện hệ thống khám, chữa và phòng bệnh đa dạng của BV Nhi TW. Đây cũng là bước triển khai thiết thực chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, đồng thời giúp chăm sóc sức khỏe cho người dân nhanh hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn trong bối cảnh có dịch bệnh.

Theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trước kia có nhiều ca cấp cứu xảy ra trong đêm, tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới còn nhiều khó khăn, với đề án khám chữa bệnh từ xa này, các cơ sở y tế kết nối với nhau đã khắc phục được những hạn chế trên. Với đề án này, các BV tuyến trung ương sẽ hỗ trợ tới tuyến huyện, xã để người dân được hưởng những dịch vụ y tế, được chẩn đoán tốt hơn. Việc triển khai hệ thống khám, chữa bệnh từ xa trong lĩnh vực nhi khoa là bước phát triển mới hướng tới sự đồng bộ, hoàn thiện hệ thống khám, chữa và phòng bệnh đa dạng của BV Nhi TW

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo BV Nhi TW tiếp tục tập trung, phát triển các hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực song song với ứng dụng, phát triển kỹ thuật cao, phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác trong và ngoài nước thông qua các buổi hội chẩn, đào đào tạo từ xa với các chuyên gia quốc tế thông qua các điểm cầu của các nước.