Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước được Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 15/11/2019 tại Hà Nội. |
Đã có trên 651.000 văn bản được gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia
Hôm nay, ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, triển khai Quyết định 28, từ từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 9/2019, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng thực hiện kết nối, liên thông, thí điểm và chính thức gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia.
Nhận định việc triển khai thực hiện Quyết định 28 về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước trong thời gian qua đã bước đầu đạt kết quả, góp phần giảm đáng kể chi phí gửi, nhận văn bản giấy và thời gian gửi, nhận văn bản giữ các cơ quan nhà nước, đại diện Văn phòng Chính phủ cũng chỉ rõ, quan trọng hơn là việc này đã giúp thay đổi tác phong, lề lối làm việc từ giải quyết công việc dựa trên giấy tờ sang giải quyết công việc trên môi trường điện tử.
Liên quan đến việc tiếp kiệm chi phí, theo ước tính của Văn phòng Chính phủ, chỉ tính riêng việc gửi nhận văn bản điện tử theo 2 cấp hành chính giữa các bộ, ngành, địa phương đã giúp cắt giảm trên 1.200 tỷ đồng mỗi năm từ việc giảm chi phí sao chụp văn bản và gửi văn bản qua dịch vụ bưu chính.
Đồng thời, thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước còn giúp nâng cao năng suất lao động, giảm thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; giúp lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ, công việc để có thể chỉ đạo kịp thời.
Ngoài ra, việc liên thông văn bản điện tử thông suốt từ Trung ương đến các cấp địa phương là cơ sở, nền tảng để triển khai kết nối, liên thông các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp, hình thành hệ thống Chính phủ điện tử kết nối thông suốt từ trung ương đến địa phương.
Báo cáo của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho hay, đến nay, 95/95 các bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia. Trong đó, có 60 đơn vị kết nối qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp bộ, cấp tỉnh (LGSP), 35 đơn vị kết nối trực tiếp phần mềm quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH) với Trục liên thông văn bản quốc gia.
Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ đang triển khai kết nối với Văn phòng Quốc hội phục vụ gửi, nhận tài liệu, thông tin phục vụ các cuộc họp Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; triển khai thử nghiệm kết nối với các doanh nghiệp đã đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Quyết định 28, đơn cử như VNPT, Viettel, EVN, VietnamPost, Vietcombank…
Theo thống kê, 64 bộ, ngành, địa phương phát sinh gửi, nhận văn bản điện tử 3 cấp chính quyền (cấp vụ, cục, sở, ngành, quận huyện) trong đó có 1.200 sở ngành, quận huyện đã kết nối thông qua LGSP gửi nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản điện tử; 10 đơn vị thuộc Bộ TT&TT và Lào Cai đã phát sinh gửi, nhận văn bản điện tử cấp 4 chính quyền trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Thống kê của Văn phòng Chính phủ cho thấy, từ ngày 12/3/2019 đến ngày 30/9/2019, có tổng số 163.107 văn bản gửi và 488.165 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Trong đó, có 116.630 văn bản gửi, 343.547 văn bản nhận của cấp bộ, ngành, tỉnh, thành phố; 44.889 văn bản gửi, 143.697 văn bản nhận của cấp cục, vụ, sở, ngành, quận huyện; 1.588 văn bản gửi, 921 văn bản nhận của cấp phường xã.
Vẫn còn đơn vị phải xử lý song song văn bản điện tử và văn bản giấy
Đáng chú ý, bên cạnh việc triển khai nâng cấp phần mềm QLVB&ĐH, công tác đảm bảo an toàn, an ninh cho Trục liên thông văn bản quốc gia đã được đặc biệt chú trọng.
Thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai 87 máy chủ bảo mật dùng chung và dùng riêng có tích hợp chứng thư số chuyên dùng Chính phủ phục vụ mã hóa, xác thực các gói tin liên thông văn bản giữa các hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương với trục liên thông văn bản quốc gia.
Song song với việc thực hiện giám sát an toàn thông tin mạng cho Trục liên thông văn bản quốc gia, công tác tập huấn nâng cao kỹ năng bảo vệ các hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương cũng đã được tăng cường.
Cụ thể, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ chuẩn bị nội dung chương trình tập huấn chuyên đề về bảo vệ an toàn thông tin cho Trục liên thông và hệ thống quản lý văn bản điện tử với các đối tượng là công chức, viên chức thuộc các bộ, ngành, địa phương phụ trách quản trị hệ thống QLVB&ĐH. Các khóa tập huấn được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM trong tháng 10, 11/2019.
Tuy nhiên, nhìn lại 1 năm triển khai Quyết định 28, Văn phòng Chính phủ cũng chỉ rõ hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng hồ sơ lưu trữ văn bản điện tử; một số đơn vị vẫn phải xử lý song song văn bản điện tử và văn bản giấy dẫn đến phát sinh khối lượng lớn công việc; nhiều đơn vị chưa bố trí được kinh phí cho việc nâng cấp hệ thống; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức rõ về hiệu quả trong việc sử dụng văn bản điện tử có ký số, chưa có ý thức thay đổi thói quen sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm việc ứng dụng chữ ký số trên văn bản điện tử…