Thông tin nêu trên vừa được ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết.
Năm 2019 là năm thứ 12 VNISA chủ trì thực hiện khảo sát hiện trạng an toàn thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và là lần thứ 7 tiến hành đánh giá Chỉ số an toàn thông tin mạng Việt Nam. Kết quả khảo sát sẽ là cơ sở để VNISA xây dựng báo cáo thực trạng an toàn thông tin tại Việt Nam trong năm, đồng thời cũng là căn cứ để các tổ chức, doanh nghiệp đánh giá được thực trạng bảo đảm an toàn thông tin của đơn vị mình.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội VNISA Vũ Quốc Thành cũng cho biết, năm nay VNISA đã tiếp tục phối hợp với Cục An toàn thông tin thuộc Bộ TT&TT tiến hành cuộc khảo sát thực trạng an toàn thông tin trên phạm vi toàn quốc và tính chỉ số An toàn thông tin mạng Việt Nam 2019.
“Kết quả cuộc khảo sát cũng như Chỉ số An toàn thông tin mạng Việt Nam năm nay sẽ được công bố vào đầu năm 2020, góp phần nâng cao nhận thức toàn xã hội cũng như giúp các cơ quan quản lý đưa ra các chính sách, hoạch định phù hợp. Bộ tiêu chí đánh giá sau 12 năm thực hiện đã từng bước được hoàn thiện và đã tiệm cận với bộ tiêu chí đánh giá chỉ số an toàn thông tin toàn cầu của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU”, ông Vũ Quốc Thành cho hay.
Được biết, kể từ năm 2017 đến nay, VNISA và Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT đã đổi mới phương pháp khảo sát thông tin hiện trạng an toàn thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước.
Cụ thể, thay vì khảo sát công tác đảm bảo an toàn thông tin tại các tổ chức, doanh nghiệp theo 5 lĩnh vực phát triển, bảo đảm an toàn thông tin như các năm trước, từ năm 2017, VNISA và Cục An toàn thông tin khảo sát theo 9 lĩnh vực quản lý, phát triển và đảm bảo an toàn thông với nhiều câu hỏi phức hợp. Các câu trả lời của tổ chức, doanh nghiệp tham gia khảo sát được lượng hóa vào 9 nhóm tiêu chỉ để xác định Chỉ số An toàn thông tin mạng cho từng đối tượng, bao gồm: Đầu tư, kinh phí; Nguyên tắc triển khai; Nhận thức và đào tạo bồi dưỡng; Tổ chức và quản lý nhân lực; Chính sách an toàn thông tin mạng; Ý thức lãnh đạo, chuyên gia an toàn thông tin; Hoạt động thực tiễn; Biện pháp kỹ thuật.
Đại diện VNISA nhấn mạnh, phương pháp và tiêu chí đánh giá mới nhằm một mặt đánh giá Chỉ số an toàn thông tin cho các tổ chức, doanh nghiệp để từ đó tổng hợp bức tranh về năng lực an toàn thông tin mạng của các tổ chức và cả quốc gia, đồng thời cũng đảm bảo tính tương thích với bộ tiêu chí đã được Liên minh Viễn thông quốc tế ITU đưa ra để đánh giá Chỉ số An toàn thông tin cho các quốc gia.
Theo kết quả đánh giá được VNISA công bố tại sự kiện thường niên Ngày An toàn thông tin, Chỉ số an toàn thông tin mạng của khối doanh nghiệp tại Việt Nam trong 2 năm 2017 và 2018 lần lượt là 54,2 và 45,6.
Với khối cơ quan nhà nước, tại hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam 2019 - Vietnam Security Summit 2019 diễn ra hồi tháng 4, Cục An toàn thông tin – Bộ TT&TT đã công bố kết quả đánh giá, xếp hạng an toàn thông tin mạng của 90 cơ quan, tổ chức nhà nước tại Việt Nam trong năm 2018. Đây là lần đầu tiên Bộ TT&TT công bố kết quả đánh giá mức độ bảo đảm an toàn thông tin mạng trong các cơ quan nhà nước.
Theo kết quả đánh giá, xếp hạng của Bộ TT&TT, năm 2018, trong 90 bộ, ngành, địa phương được đánh giá, không có cơ quan xếp loại A (Đã quan tâm triển khai an toàn thông tin ở mức tốt); 15 cơ quan xếp loại B (Đã quan tâm triển khai an toàn thông tin ở mức khá), chiếm 17%; 63 cơ quan xếp loại C (Đã quan tâm triển khai an toàn thông tin ở mức trung bình), chiếm 70%; 12 cơ quan xếp loại D (Mới bắt đầu quan tâm đến an toàn thông tin), chiếm 12%; và không có cơ quan xếp loại E (Chưa quan tâm đến an toàn thông tin).