Hotline: 0975.176.376 - 0975.73.75.77

VIETTEL DÀNH 4.500 TỶ ĐỒNG/NĂM CHO NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN

Mỗi năm Viettel dành 4.500 tỷ đồng cho nghiên cứu phát triển. Hiện nay hoạt động nghiên cứu KH&CN đã mang lại doanh thu, doanh thu từ khối nghiên cứu sản xuất đạt 7.600 tỷ đồng năm 2015, 10.500 tỷ đồng năm 2016, tăng trưởng 36%/năm.

Đại diện Tập đoàn Viettel giới thiệu sản phẩm của Tập đoàn với đoàn khảo sát. Ảnh: Bộ KH&CN

Theo Cổng thông tin Bộ Khoa học và Công nghệ, chiều 31/3/2017, Đoàn Khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội do ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT làm Trưởng đoàn đã đến làm việc với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) về hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và góp ý Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). 

Báo cáo tại buổi làm việc, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho biết, hiện Viettel là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ lớn nhất Việt Nam. Doanh thu của Tập đoàn tăng trưởng 6.300 lần, từ 36 tỷ đồng năm 1999 lên 228.000 tỷ đồng năm 2016. Năm 2016, Viettel nộp ngân sách nhà nước 40.521 tỷ đồng (tăng 11.900 lần so với năm 1999). Về viễn thông, Viettel đã đầu tư kinh doanh  tại 11 quốc gia với tổng dân số 320 triệu người, trong đó có 100 triệu khách hàng. 

Mỗi năm, Viettel dành 4.500 tỷ đồng cho nghiên cứu phát triển. Hiện nay, hoạt động nghiên cứu KH&CN đã mang lại doanh thu, cụ thể, doanh thu từ khối nghiên cứu sản xuất đạt 7.600 tỷ đồng năm 2015, 10.500 tỷ đồng năm 2016, tăng trưởng 36%/năm. Mục tiêu năm 2020, Viettel sẽ xây dựng thành công Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao với doanh số 2 tỷ USD.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, để thực hiện nhiệm vụ làm chủ công nghệ, nghiên cứu sản xuất, Viettel lựa chọn phương thức tự làm là chính, kết hợp với chuyển giao công nghệ từng phần từ các đối tác sở hữu công nghệ thành phần và hợp tác chuyên gia; tổ chức bộ máy nghiên cứu tại nước ngoài, sau đó chuyển kết quả nghiên cứu về nước dưới hình thức sản phẩm cụ thể và các trí thức được kết tinh trong đội ngũ chuyên gia.

Với quan điểm về nghiên cứu công nghệ, chuyển giao công nghệ nói trên kết hợp với sự quyết tâm, cách làm đột phá, sáng tạo, Viettel đã từng bước làm chủ quá trình nghiên cứu sản xuất các loại trang thiết bị quân sự và dân sự công nghệ cao, sẵn sàng thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất một số cơ chế chính sách để đẩy mạnh sự phát triển của Viettel trong thời gian tới, đặc biệt là việc nghiên cứu sản xuất thiết bị viễn thông Made in Vietnam. Theo định hướng, Viettel sẽ xây dựng thành Tập đoàn công nghiệp, viễn thông toàn cầu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đánh giá cao cách tiếp cận, chiến lược của Viettel, đồng thời cho rằng Viettel cần có kế hoạch tìm kiếm những người Việt giỏi ở nước ngoài, đưa họ vào các công ty, tập đoàn và có nhiều hơn nữa các chính sách thu hút nhân tài, đãi ngộ để họ tâm huyết và trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển Tập đoàn.

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, Viettel đã có những chuyển biến lớn, biến những điều không tưởng thành hiện thực. Có nhiều yếu tố tạo nên thành công của Viettel nhưng quan trọng nhất, Viettel đã tạo ra cơ chế chính sách để con người gắn bó với công việc, tự do sáng tạo. Đây là bài học lớn nhất. Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) cũng như nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực KH&CN cũng đã đề cập đến điều này. Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi cũng tập trung vào hướng thay đổi cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.